Bệnh Cúm là gì, nguyên nhân và các biện pháp phòng bệnh
Bệnh Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh, virus cúm liên tục biến thể thành các chủng mới xuất hiện thường xuyên, bệnh lây lan nhanh có thể thành dịch lớn và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi nặng, viêm xoang, suy đa cơ quan. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp như hiện nay.
Để chủ động phòng tránh lây lan của bệnh chúng ta cần hiểu được nguyên nhân triệu chứng và các biện pháp phòng bệnh dưới đây.
- Bệnh Cúm mùa là gì?
Virus cúm là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng như sốt, đau nhức đầu và cơ thể, có ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, bệnh có thể tiến triển thành các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác.
Virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae, có thể lây nhiễm từ người sang người, được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Trong đó, nhiễm virus cúm A là nghiêm trọng hơn cả và có thể tạo thành dịch bệnh
2. Triệu chứng:
- Sốt trên 38 độ C.
- Mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người.
- Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho khan, viêm họng.
3. Đường lây truyền:
Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi.
4. Biến chứng nguy hiểm:
- Suy hô hấp, viêm phổi, hen phế quản.
- Suy tim, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng huyết …
5. Đối tượng nguy cơ cao:
- Trẻ em, người già trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền ( tim mạch, huyết áp, bệnh về máu, suy giảm miễn dịch, COPD…)
- Đối tượng phụ nữ mang thai, biến chứng có thể gây sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi trong 3 tháng đầu thay kỳ.
6. Các biện pháp phòng bệnh:
6.1. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và giảm ảnh hưởng, biến chứng khi mắc bệnh, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, người có bệnh lý nền, bệnh mãn tính và nên được tiêm nhắc lại định kỳ hằng năm.
6. 2. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời khi xuất hiện sốt (thường trên 38 độ C), kèm theo một trong các triệu chứng về hô hấp (sổ mũi, hắt hơi, đau họng, ho), đau đầu, mệt mỏi...
6. 3. Đối với cá nhân:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, đặc biệt là đường mũi, họng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh tụ tập nơi đông người như nhà trẻ, trường học, văn phòng, khu vực công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần thực hiện phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang,..
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung hợp lý vitamin, khoáng chất.
6.4 . Đối với môi trường xung quanh:
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông thoáng khí hàng ngày.
- Vệ sinh bề mặt bằng xà phòng hoặc chất tẩy thông thường từ 1-2 lần/ngày.
Người viết bài: Trần Thị Vân