Sởi là một căn bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút sởi gây nên. Bệnh sởi ở trẻ em có diễn biến nhanh chóng, và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguy hiểm là bệnh sởi nếu không phát hiện kịp thời có thể thành dịch, vì vậy chúng ta hãy tìm hiểu xem nguyên nhân triệu chứng và cách phòng bệnh sởi dưới đây.
1. Nguyên nhân trẻ mắc sởi
Bệnh sởi ở trẻ em được gây ra bởi vi rút sởi, thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Đây là một chủng vi rút có khả năng lây lan và phát triển nhanh chóng và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao khi thời tiết chuyển lạnh, thường xảy ra vào mùa Đông Xuân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh sởi có thể xuất hiện và phát hiện mạnh mẽ vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
2. Triệu chứng của bệnh sởi
- Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp.
- Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2-5 ngày, thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, với đặc trưng chính là phát ban, từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi phát ban hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu.
- Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
3. Làm gì khi trẻ mắc sởi
Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
- Khó thở, thở nhanh.
- Nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống gì, co giật, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
4. Điều trị và chăm sóc khi mắc sởi
- Bệnh sởi cần được cách ly.
- Điều trị hỗ trợ.
- Phát hiện và điều trị các biến chứng.
- Không dùng Corticoid khi chưa loại trừ sởi.
- Chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà:
- Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ.
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38,5°C.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Vệ sinh trẻ như tắm hàng ngày, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ở thông thoáng sạch sẽ.
- Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.
- Tránh quan niệm sai lầm cho trẻ kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
- Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
- Cách chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nên chia thành nhiều bữa trong ngày.
5. Các biện pháp phòng tránh bệnh
Sởi là một căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng. Hơn nữa, nguy cơ xuất hiện biến chứng ở trẻ mắc bệnh sởi cao, nhất là đối với các trẻ chưa từng mắc bệnh sởi và chưa được tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ. Do đó, bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ bằng cách sau:
- Tiêm vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên. Khi trẻ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi, trẻ sẽ có khả năng miễn dịch đến 99%;
- Vệ sinh sạch sẽ có trẻ mỗi ngày;
- Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn;
- Hạn chế cho trẻ đưa tay lên mắt, mũi;
- Tập cho trẻ vệ sinh miệng, mũi và họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày;
- Vệ sinh và sát khuẩn khu vực sống và vui chơi của trẻ;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.