Từ xa xưa, ông cha ta đã từng nói “Nhất
tự vi sư, bán tự vi sư – Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Đó
là tình, là đạo lí của người học trò đối với người thầy của mình và cũng là niềm
tin, là sự thành kính của các bậc cha mẹ đối với người thầy của con mình.
Hòa trong không khí hân hoan hướng về
ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà cả nước tri ân sự cống hiến miệt mài của các thầy
cô giáo, sáng ngày 18/11 tổ cộng tác viên thư viện trường TH Long Biên đã giới
thiệu cuốn sách: “Chu Văn An – Người thầy của muôn đời” do nhà xuât bản Chính
trị Quốc gia ấn hành.
Cuốn sách nói về cuộc đời, sự nghiệp
của người thầy kiệt xuất, được các thế hệ người Việt tôn vinh là “Vạn thế sư biểu
– Người thầy của muôn đời”. Dành trọn đời cho sự nghiệp giáo dục, với triết lí
giáo dục vượt thời, không chỉ tác động đén nhiều thế hệ người Việt mà còn góp
phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực, Chu Văn An được coi là Người
thầy của mọi thời đại. Cuốn sách được in trên khổ giấy 14,5x20,5cm với độ dày
227 trang do nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành. Nội dung cuốn
sách gồm 5 chương.
Chương 1: Quê hương Chu Văn An
Chương 2: Thân thế và sự nghiệp
Chương 3: Sự nghiệp giáo dục
Chương 4: Sự nghiệp văn chương
Chương 5: Một số di tích thờ Chu Văn An
Thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370, tự Linh Triệt,
hiệu Tiều Ẩn, quê làng Thanh Liệt, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thuở nhỏ, ông ham thích đọc sách. Thời
đó trường học rất hiếm, cả nước chỉ có một trường quốc lập là Văn Miếu Quốc Tử
Giám và số ít trường dành cho người có tài và con em vương thất nhà Trần. Vì
trường lớp ít nên con em nhân dân phần lớn là thất học. Chu Văn An ông mở trường
Huỳnh Cung ở quê nhà để dạy học. Học trò đến học rất đông. Học trò của ông có
nhiều người tài giỏi có công giúp nước. Dù đỗ đạt cao nhưng vẫn giữ được lễ
nghĩa, tình cảm thầy trò sâu lắng.
Truyện thầy Chu Văn An đạo cao đức trọng
đã làm cảm động cả trời đất. Câu chuyện sự tích đầm mực kể về một học trò ở dưới
thủy cung, vì cảm phục thầy Chu mà hóa thân thành người bình thường để đến trường
Huỳnh Cung theo học thầy. Người học trò của thầy cũng vì nể trọng thầy Chu mà
dám trái lệnh trời làm mưa cứu dân khỏi hạn hán. Tiếng thơm của thầy giáo Chu
Văn An và trường Huỳnh Cung đã được cả nước biết đến. Trường Huỳnh Cung đã trở
thành mốc quan trọng trong nền giáo dục VN. Kể từ đây, bên cạnh trường quốc lập,
các trường dân lập phát triển, đông đảo con em nhân dân được đi học, sự nghiệp
giáo dục của nước nhà dược mở mang, phát triển hơn.
Tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng
đã làm cho tiếng tăm của ông ngày một lan xa. Học trò theo học ngày càng đông.
Do tài năng và phẩm hạnh, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc
Tử Giám và dạy dỗ thái tử, phò giúp nhà vua. Đến thời Trần Dụ Tông lên ngôi,
triều đình rối ren, vua quan ham mê tửu sắc. Trong triều, nhóm quyền gian liên
kết hoành hành, bên ngoài, giặc giã giấy lên cướp bóc, nhân dân đói khổ. Nhìn
chính sự bê bối, Chu Văn An phẫn nộ đã dâng Thất trảm sớ xin chém đầu bảy tên nịnh
thần để mong giữ yên vận nước. Tấu sớ không được vua đoái hoài, ông đã trả mũ
áo từ quan, về núi Chí Linh sống đời thanh đạm, trồng cây thuốc và tiếp tục dạy
học, viết sách, làm thơ.
Người đương thời và đời sau đều rất
kính phục tinh thần trung nghĩa, khí tiết hiên ngang của một nhà sư phạm mẫu mực
Chu Văn An. Năm 1370 thầy giáo Chu Văn An qua đời, được thờ ở Văn Miếu cùng các
bậc tiên nho. Hậu thế tôn ông là Vạn thế sư biểu – tức Người thầy của muôn đời. Tên ông được đặt cho niều đường phố, trường học.
Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí
tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch
sử giáo dục Nho học nước nhà. Cuốn sách thể hiện lòng thành kính, tri ân, trân
trọng của thế hệ con cháu hôm nay với người thầy vĩ đại của dân tộc.
Buổi giới thiệu sách thêm phần lôi cuốn và cuốn
hút bởi tiểu phẩm tái hiện phong thái của thầy giáo Chu Văn An qua phần thể hiện
của các bạn học sinh lớp 4A2.