Bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch. Viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
Để phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng cần biết đau mắt đỏ là gì? Những triệu chứng và diễn biến của bệnh ra sao để có cách phòng ngừa bệnh.
1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
2. Triệu chứng điển hình:
Người bị đau mắt đỏ thường có những biểu hiện như sau:
- Mắt đau rầm rộ, cộm, cảm giác như cát trong mắt.
- Chảy nước mắt và có nhiều rỉ, có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt.
- Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày lây sang đến mắt thứ hai…
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ , nổi hạch trước tai ( hay gặp ở trẻ em).
- Trong những truờng hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc (tròng đen), khi đó thị lực có thể giảm.
3. Nguyên nhân và triệu chứng của đa mắt đỏ là gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau mắt đỏ, trong đó một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm như:
- Do virus: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh, với những triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt, có ghèn dây, mi sưng, cộm, giảm thị lực. Đối với bệnh viêm kết mạc do virus gây ra có thể dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của người bệnh.
- Do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, taphylococcus,... Một vài triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc. Một người có thể bị lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh.
- Do dị ứng: thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hóa, bụi,.... Các triệu chứng của bệnh thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan.
4. Đường lây truyền
- Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút.
- Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối.
- Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
- Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
- Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay… những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.
5. Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Các biện pháp cụ thể mọi người cần thực hiện như sau:
Khi không có dịch:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.