Thực hiện chỉ đạo của BGH trường TH Long Biên nhân viên y tế trường TH Long Biên tuyên truyền các triệu chứng và cách phòng ngừa giảm thiểu khả năng lây lan bệnh viêm kết mạc cấp tới toàn thế CBGVNV, các bậc phụ huynh và các em học sinh của trường TH Long Biên.
Bệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó viêm kết mạc do virus adeno thường gây thành dịch. Bệnh hay xuất hiện vào mùa nước lụt, độ ẩm cao, khí hậu thất thường, đến tháng 11 gió mùa lại hết. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.Bệnh lây lan dễ dàng do virus có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày. Lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Triệu chứng ban đầu thường là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai, mắt hơn cộm, có khi cảm thấy nóng rát, mi mắt sưng nhẹ. Sau 2-3 ngày, mắt bị đỏ (có thể một bên hoặc hai bên), ra rất nhiều ghèn, chảy nước mắt. Nếu lúc đầu ở một bên thì 3-4 ngày sau có thể sang cả hai bên (ở hai mức độ khác nhau).
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như viêm giác mạc, nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.Bệnh có thể kéo dài,điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.Vì thế, bệnh nhân cũng như các bậc cha mẹ không nên quá sốt ruột.
Để phòng ngừa và giảm thiểu khả năng bệnh lây lan cần thực hiện:
+ Sử dụng nguồn nước sạch. Đặc biệt trong mùa mưa, lũ lụt phải thau rửa dụng cụ chứa nước, khử trùng nước bị ô nhiễm bằng chloramin B.
+ Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng, không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt...Người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang.Sau khi tự tra thuốc, lau mắt cũng cần chú ý rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn, không dùng chung nhau ống thuốc nhỏ mắt để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc.
+ Sử dụng thuốc sát khuẩn nhẹ để vệ sinh mắt hàng ngày là cần thiết. Thuốc nhỏ mắt có chất sát khuẩn nhẹ để vệ sinh mắt hằng ngày sẽ loại bỏ được bụi bẩn và cân bằng độ ẩm cho mắt, không những giúp tăng khả năng miễn dịch mà còn tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho mắt.
Đôi mắt là bộ phận nhạy cảm và dễ bị tổn thương trên cơ thể, “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, chính vì vậy một điều cần lưu ý mặc dù diễn biến bệnh lành tính nhưng tất cả bệnh nhân đau mắt đỏ hiện nay đều nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách để phòng những trường hợp viêm kết mạc cấp do các nguyên nhân khác, tránh hậu quả nặng nề như giảm thị lực thậm chí mù lòa.
Với các nội dung trên mong rằng toàn thế CBGVNV, các bậc phụ huynh và các em học sinh của trường TH Long Biên biết cách chăm sóc, bảo vệ đôi mắt của mình và luôn mạnh khỏe để công tác làm việc và học tập tốt.