Thực hiện chỉ đạo của BGH trường TH Long Biên nhân viên y tế trường TH Long Biên tuyên truyền tới CBGVNV các bậc phụ huynh và các em học sinh trường TH Long Biên về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết , biểu hiện và các cách phòng chống.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh có hai thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue), xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
1. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:
- Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
- Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
2. Biểu hiện của bệnh:
Thể bệnh nhẹ: (thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong)
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể bệnh nặng: (thường là thể sốt xuất huyết dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%)
Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi ngoài phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
3. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết:
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
-Nằm nghỉ ngơi.
-Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.
-Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
-Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
4. Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết cần làm những việc sau:
-Loại bỏ nơi trú ẩn và đẻ trứng của muỗi Sốt xuất huyết.
-Thu gọn sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi đặc biệt là những quần áo bừa bãi đăc biệt những quần áo mặc dở dang.
-Tổng vệ sinh thu dọn rác phế thải, chú ý các loại phế thải có khả năng chứa nước mưa như lốp xe, hộp xà phòng, mảnh bát, chum vại,….
-Úp các dụng cụ nhỏ khi chưa dùng đến các chum, vại, thùng xô, chậu……
-Thả dầu hoặc muối vào bát kê chân chạn.
-Thay nước thường xuyên các lọ hoa.
-Bể to cần có nắp đậy kín hoặc thả cá. Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/lần.
-Khi đi ngủ phải mắc màn kể cả ban ngày (đặc biệt các trẻ nhỏ).
Với các nội dung trên mong rằng CBGVNV các bậc phụ huynh và các em học sinh trường TH Long Biên thực hiện tốt để phòng chống dịch bệnh cho bản thân gia đình và xã hội.