!important; Trong mùa mưa lũ, người dân luôn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh và các tai nạn rủi ro. Đặc biệt, là đối tượng trẻ em chưa có khả năng bảo vệ bản thân. Nếu chủ quan không biết cách phòng tránh thì có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Tai nạn thương tích trẻ em đang trở thành một vấn đề y tế công cộng đe dọa đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Theo kết quả điều tra, gần 70% các ca tử vong trẻ em trên 01 tuổi là do tai nạn thương tích gây ra; trên 71% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích là do các tai nạn thương tích không chủ ý như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, ngộ độc, điện giật, ngạt, hóc nghẹn…
Vì vậy, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và gia đình, dưới đây là một số kỹ năng giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích hay gặp trong mưa lũ
1. Chết đuối/đuối nước
– Khi có sự xâm nhập đột ngột và nhiều của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, mồm, khí phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa oxy không thể vào phổi được gọi là đuối nước. Hậu quả là não bị thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bị chết hoặc để lại di chứng não nặng nề.
– Trẻ em sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở chỉ trong vòng thời gian 2 phút và với trẻ nhỏ, chỉ với lượng nước nhỏ như một xô nước cũng có thể làm trẻ chết đuối.
Nguyên nhân
– Do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối…
– Do bản tính hiếu động, tò mò với các trẻ lớn tuổi hay với trẻ nhỏ là do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Có nhiều hoàn cảnh có thể gây đuối nước trẻ em như các giếng nước, bể nước, chum vại, chậu có miệng nhỏ, bồn tắm…không được rào, chắn, đậy cẩn thận.
– Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như :
+ Chum vại, bể nước… không có nắp đậy an toàn.
+ Sông, hồ, suối, ao… không có biển báo nguy hiểm, rào.
+ Lũ lụt xảy ra thường xuyên.
+ Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
Cách phòng tránh
* Đối với trẻ nhỏ phải có người trông trẻ:
– Luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 0,5m, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ.
– Không đọc báo, chơi bài, nói chuyện hay làm bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến sự phân tán tư tưởng
– Trong trường hợp bạn bắt buộc phải làm việc, hãy cho trẻ vào cũi. Bạn nên nói chuyện với trẻ trong lúc làm việc để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm.
– Trong trường hợp có nhiều người trông trẻ và trẻ tham gia các họat động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao hồ, đi tắm biển tập thể…), cách tốt nhất là cử 1-2 người chuyên theo dõi trẻ và không làm việc gì có thể khiến họ phân tâm (có nhiều truờng hợp nhà có giỗ hoặc liên hoan, không có ai để mắt đến trẻ và tai nạn đang tiếc đã xảy ra).
– Tuyệt đối không để trẻ duới 10 tuổi trông trẻ bé hơn.
– Học kỹ thuật sơ cấp cứu, hà hơi thổi ngạt.
* Làm cho môi trường xung quanh con bạn an toàn hơn:
– Rào ao, các hố nước, rãnh nước quanh nhà và làm cổng chắc chắn trẻ không tự mở được, giữ cổng luôn đóng. Làm cửa chắn nếu nhà gần ao, hồ, làm cửa chắn an toàn: rào dọc, khoảng cách giữa các thanh rào tối đa 15 cm, chiều cao rào tối thiểu là 80 cm.
– Đổ nước trong các xô, chậu, đồ chứa nước khi không cần dùng.
– Luôn đậy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
– Đối với vùng lũ: dùng giường 3 vách…
– Cho trẻ mặc áo phao khi đi trên thuyền…
– Chuẩn bị sẵn các phương tiện cứu hộ như dây thừng, phao… trong nhà.
– Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.
2. Điện giật, sét đánh
Điện giật và sét đánh rất nguy hiểm vì thường gây tử vong tức thì. Người bị điện giật không thể tự rút tay hoặc bứt cơ thể khỏi nơi chạm vào điện nên nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong là rất cao.
Điện giật hoặc sét đánh sẽ tác động vào hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp gây cảm giác đau nhức. người bị điện giật sẽ khó thở, rối loạn nhịp tim. Nếu bị nặng, đầu tiên sẽ ngừng thở sau đó tim ngừng hoạt động, nạn nhân chết trong tình trạng ngạt, bỏng nặng và co rút, tê liệt các cơ bắp.
Nguyên nhân
* Do tiếp xúc vào vật mang điện:
– Sơ xuất khi tiếp xúc với nguồn điện hoặc vô ý chạm phải vật mang điện.
– Sử dụng các dụng cụ, thiết bị điện có điện truyền ra vỏ do các bộ phận cách điện bị hỏng. Hoặc không may bị dẫm vào dây điện hở, hay dây điện đứt rơi vào người.
* Do phóng điện:
– Trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, lấy sào chọc dây điện cao thế, đến quá gần trạm biến thế điện cao thế. Trong các trường hợp này dù chưa chạm trực tiếp vào vật mang điện nhưng với một khoảng cách quá gần điện phóng qua không khí, giật ngã hoặc đốt cháy cơ thể.
– Sét đánh cũng là một hiện tượng bị điện giật do phóng điện từ trên đám mây tích điện xuống đất, thường đánh xuống các cây cao hoặc vùng đất có mỏ kim loại. Sét thường xảy ra khi trời có dông, mưa rào, mưa to.
Cách phòng tránh
* Phòng tránh điện giật:
Quan trọng nhất: đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật.
– Đảm bảo gia đình bạn an toàn về điện, tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà, không dùng dây điện có phích cắm cắm trực tiếp vào ổ cắm. Trong gia đình cần dùng các thiết bị điện an toàn.
– Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: để ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến.
– Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.
– Hướng dẫn cách phòng điện giật và thao tác kỹ thuật sơ cứu điện giật tại trường học, tại gia đình và nơi làm việc.
– Đối với trẻ nhỏ (0-5 tuổi): các cách phòng chống trên + trông trẻ đúng cách
– Đối với trẻ lớn hơn (6-15 tuổi):
+ Giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm.
+ Ghi biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây ra điện giật.
+ Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi đây điện đứt rơi xuống, đặc biệt khi trời mưa thì không nên nấp dưới gốc cây to/cao…
+ Tuyên truyền cách sơ cứu về bỏng, chuẩn bị xử trí những tai nạn về điện khi dây điện bị đứt rơi xuống trong mưa bão.
+ Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (không trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi, không xây nhà cao gần đường điện cao thế).
3. Cây ngã
Nguyên nhân:
+ Tán cây xuất hiện nhiều nhánh nhỏ và lá khô
+ Sự hiện diện của vết nứt sâu/ thiếu vỏ trên thân cây
+ Rễ cây yếu và thối rễ
Cách phòng tránh
Không chơi đùa dưới cây khi trời mưa
Không chơi đùa, leo trèo lên các cành cây
Có các biện pháp thường xuyên kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm, cây nhớm gốc… lấy nhành khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn.
Hướng dẫn xử trí khi cây ngã
Khi người dân nhìn thấy cây đổ đè trúng người, đừng tự ý di chuyển nạn nhân nếu không đủ chuyên môn mà hãy làm theo các bước để tránh ảnh hưởng đến tính mạng người gặp nạn.
Người xung quanh nên gọi bệnh viện gần nhất để nhân viên y tế nhanh chóng hỗ trợ. Sau đó, cẩn thận gỡ bỏ những nhánh cây (tán cây) đè lên người nạn nhân, không tự ý di chuyển thân thể người bị nạn để tránh bị tổn thương thêm và đợi nhân viên y tế đến sơ cứu và chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, đối với các gia đình có con em theo học tại các trường học cần cảnh báo các em không tự ý leo trèo cây cao và tránh xa các gốc cây, nếu như trước đó xuất hiện mưa lớn gây đất mềm, dẫn đến khả năng cây có thể ngã bất cứ lúc nào.