Với mục đích bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tiểu học trong việc dạy học môn âm nhạc và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL); tạo tâm thế sẵn sàng đón nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục. Trong hai ngày 20, 21 tháng 9 năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lớp tập huấn “Dạy học môn âm nhạc và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp dành cho cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học năm học 2018 - 2019” tại Thành phố Huế.
Tới tham dự đợt tập huấn có các đồng chí lãnh đạo của Bộ GD&ĐT; Đại diện Sở GD&ĐT cùng cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán của 63 tỉnh thành trong cả nước. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội có đồng chí Đỗ Văn Định, chuyên viên phòng GDPT; Đ/c Trần Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Biên; Đ/c Nguyễn Vân Anh, giáo viên âm nhạc trường Tiểu học Long Biên.
Hình ảnh: Đoàn tập huấn của Sở GD&ĐT Hà Nội
chụp ảnh kỉ niệm cùng các đ/c lãnh đạo Bộ GD&ĐT
Phát biểu khai mạc đợt tập huấn, PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã khẳng định tầm quan trọng của việc định hướng dạy học môn âm nhạc và HĐGDNGLL theo Chương trình GDPTTT mới. Đồng thời, nêu rõ mục đích và sự cần thiết của đợt tập huấn.
Hình ảnh: PGS.TS Trịnh Hoài Thu,
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT
và đ/c Đỗ Văn Định, chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội
Ngay sau phát biểu khai mạc, cả lớp được nghe PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ nội dung tổng quan về HĐGDNGLL. Qua chia sẻ của cô, các thành viên trong lớp được hiểu rõ một số vấn đề như: Vì sao phải đổi mới trong giáo dục? Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những gì? Những điều cần và đủ để chuẩn bị một đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn sẵn sàng tâm thế cho sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục. Ngoài ra, những vấn đề cơ bản nhất về đổi mới theo định hướng phát triển năng lực cũng được cô phân tích rõ cùng với những định hướng giúp cho các học viên sớm có ý tưởng để vận dụng vào thực tế giảng dạy tại địa phương mình.
Hình ảnh: PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa- Giảng viên lớp tập huấn
Sau phần chia sẻ về tổng quan chung, lớp học được chia làm 2 nhóm lớp thực hành tại 2 Hội trường khác nhau:
- Lớp “Hoạt động giáo dục” tiếp tục được PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa làm giảng viên
- Lớp “Âm nhạc” do Thạc sĩ Lê Anh Tuấn - Viện KHGD Việt Nam làm giảng viên
Trong phần hoạt động thực hành, tại từng lớp học, các học viên được tham gia và trải nghiệm rất nhiều các hoạt động thú vị, bổ ích. Không khí hào hứng và sôi nổi được duy trì xuyên suốt 2 ngày tập huấn, tất cả các thành viên 2 lớp đều tham gia nhiệt tình, tích cực. Tại đây, mỗi cá nhân được thể hiện khả năng bản thân; được chia sẻ về thực tế việc dạy môn âm nhạc và tổ chức các ĐHGDNGLL tại địa phương mình; được tiếp thu, học tập những nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức của 63 tỉnh thành trong cả nước.
Hình ảnh: Các học viên của 2 lớp say sưa với hoạt động trải nghiệm
Hình ảnh: Đ/c Trần Thị Phương Dung, Phó HT trường TH Long Biên, đoàn Hà Nội
đại diện nhóm trình bày về ND, PP, hình thức tổ chức một chủ đề HĐGDNGLL
theo định hướng phát triển năng lực cho HS
Đợt tập huấn kết thúc thật thành công trong không khí vui tươi, phấn khởi với những sản phẩm thực hành được 2 lớp báo cáo bằng nhiều hình thức khác nhau: Nếu như lớp “Âm nhạc” mang đến một tiết mục văn nghệ đậm tình quê hương đất nước với những cô gái thướt tha trong tà áo dài và giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Quê hương ba miền” thì lớp “Hoạt động giáo dục” lại thể hiện khả năng sáng tác một ca khúc về 12 miền đất nước với 12 nét văn hóa đặc trưng các vùng miền.
Hình ảnh: Những cô gái xinh đẹp của lớp “Âm nhạc” với ca khúc “Quê hương ba miền”
Hình ảnh: Học viên lớp “Hoạt động giáo dục” báo cáo bằng một ca khúc tự sáng tác
Phát biểu tổng kết, thầy Nguyễn Đức Hữu - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ rất sâu sắc. Thầy khẳng định đợt tập huấn là cơ hội tốt nhất để các thầy cô giáo hình dung được sắp tới sẽ phải làm những gì và hơn ai hết các thầy cô là những người thấm nhuần nhất để ngay từ ngày mai sẽ thực hiện những đổi mới ngay từ chính bản thân mình. Bởi các thầy cô đổi mới thì mới hy vọng đồng nghiệp, nhà trường đổi mới. Thầy cũng rất đồng tình với phương pháp, hình thức tổ chức lớp tập huấn với sự chia sẻ của những giảng viên giàu kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt đẹp bởi tại đây, các thầy cô được tương tác, được làm việc và hoạt động, đúng với tiêu chí của buổi tập huấn đã đưa ra, khắc phục được tình trạng thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép.
Cũng theo thầy Nguyễn Đức Hữu, ngay sau buổi tập huấn, cán bộ giáo viên của 63 tỉnh thành sẽ có tham mưu với lãnh đạo sở để có những lớp tập huấn phù hợp nhất theo nội dung và cách thức tổ chức của Bộ để đưa vào tổ chức tại địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ có công văn hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức triển khai tập huấn môn âm nhạc và HĐGDNGLL ở cấp tiểu học ngay trong năm học này. Giáo viên cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhất để thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa. Các thầy cô cần chủ động sáng tạo thì mới mong muốn học sinh phát huy được tính chủ động sáng tạo. Có như vậy mỗi giờ học, mỗi hoạt động giáo dục mới có ý nghĩa với học sinh.
Hình ảnh: PGS.TS Nguyễn Đức Hữu,
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT tổng kết lớp tập huấn
Đợt tập huấn đã kết thúc nhưng để lại trong mỗi thành viên những cảm xúc khó tả. Lớp học không chỉ nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng của đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán mà đây còn là cơ hội giao lưu, chia sẻ, hợp tác của các thầy cô giáo trong cả nước, là cầu nối để mỗi người con Việt Nam xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, cùng nhau hướng đến một mục tiêu “Tất cả vì mầm non tương lai của đất nước”.