PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO QUẬN LONG BIÊN
Trường Tiểu học Long Biên
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Rất hiếm trường hợp bị mắc sởi trong những năm gần đây do chương trình tiêm phòng luôn được các bậc cha mẹ quan tâm. Tuy nhiên, nếu những ai chưa từng tiêm vắc xin thì khả năng nhiễm vi rút và mắc bệnh là tương đối lớn.
1. Có những loại vắc xin sởi nào?
- Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc xin sởi dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).
- Hầu hết các vắc xin được trình bày dưới dạng vắc xin đông khô đi kèm với dung môi. Hiện nay, vắc xin dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới.
- Các loại vắc xin được sản xuất từ các chủng vắc xin khác nhau, tuy nhiên đều thuộc týp sinh học A.
2. Chủng ngừa Vắc xin “3 trong 1” - Sởi, quai bị và rubella như thế nào?
- Bệnh Sởi - quai bị- rubella là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng và có những biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
- Bệnh sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em. Quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới; còn rubella có thể gây dị tật cho thai nhi hoặc sẩy thai đến 90% các trường hợp nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Để phòng ngừa chủ động và hiệu quả bệnh sởi - quai bị và rubella, hiện nay đã có loại vắc xin phối hợp “3 trong 1” rất hiệu quả và an toàn. Vắc xin phối hợp này được Hiệp hội Bác sĩ gia đình Mỹ, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDD) và Ủy ban Tham vấn thực hành tiêm chủng Mỹ (ACIP) khuyến cáo nên sử dụng 2 liều để đạt khả năng bảo vệ tối ưu cho trẻ em trong việc phòng bệnh (tới 99,7%).
- Thời điểm thích hợp tiêm ngừa vắc xin cho trẻ em từ 12 - 15 tháng tuổi.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 - 35 tuổi được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin sởi - quai bị và rubella trước khi có thai ít nhất là 3 tháng.
- Hiệu quả bảo vệ của vắc xin rất cao, chỉ sau khi tiêm vắc xin liều đầu tiên khả năng bảo vệ trẻ phòng tránh các loại bệnh này có thể đạt từ 90 - 95%. Theo Hiệp hội Tham vấn thực hành tiêm chủng Mỹ nên cho trẻ tiêm liều vắc xin “3 trong 1” đầu tiên khi trẻ được 12 -15 tháng tuổi, và liều vắc xin thứ 2 nên tiêm cho trẻ khi trẻ được 4 - 6 tuổi.
3. Hiệu quả việc tiêm vắc xin sởi như thế nào?
- Sau khi tiêm, vắc xin cơ thể tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.
4. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?
- Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%.
- Việc đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
5. Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời?
- Có. Tạo đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời. (Theo Tổ chức Y tế thế giới)
6. Tại sao phải tiêm hai liều vắc xin sởi?
- Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin...
- Việc tiêm mũi thứ vắc xin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
- Tiêm mũi thứ hai không nhằm mục đích làm tăng hiệu giá kháng thể đối với những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch.
7. Những ai cần tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi?
- Là tất cả các trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất vắc xin sởi, chưa tiêm vắc xin sởi hoặc chưa từng mắc sởi.
- Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm vắc xin. Do vậy, đối tượng cần tiêm mũi thứ hai là tất cả các trường hợp chưa tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi hoặc những trường hợp không có đầy đủ bằng chứng (phiếu, sổ tiêm chủng) chứng minh đã tiêm mũi thứ hai.
8. Có nên tiêm vắc xin đối với người đã từng mắc sởi?
- Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc xin sởi.
- Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vắc xin sởi.
9. Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với vi rút sởi không?
- Vi rút sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.
- Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
10. Lịch tiêm vắc xin sởi?
Đối với tiêm vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:
- Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.
Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.
- Đối với vắc xin tiêm chủng dịch vụ: tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.
- Cần tiêm mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi bởi vì: các trường hợp sau tiêm mũi thứ nhất chưa có đáp ứng miễn dịch cần sớm được tiêm mũi thứ hai. Tiêm nhắc vắc xin DPT4 được thực hiện cho trẻ 18 tháng nên để tăng tỷ lệ trẻ tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi cần lồng ghép hoạt động. Việc lồng ghép náy nhằm làm giảm khối lượng công việc cho cán bộ y tế, giảm chi phí và tăng hiệu quả triển khai.
11. Có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không?
- Không. Chỉ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình TCMR trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc xin.
- Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
12. Có tiêm vắc xin khi đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính hay không?
Không. Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi có thể tiêm được.
13. Có tiêm vắc xin cho các trường hợp bị vẹo vách mũi, nhỏ quá (ốm) không?
Có thể tiêm vắc xin cho các trường hợp này.
14. Có tiêm vắc xin sởi đối với trẻ còn bú sữa mẹ không?
Có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ bú sữa mẹ.
15. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi?
Có. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.
16. Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin sởi?
- Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc xin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vắc xin (gelatin, neomycin). Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định của tiêm vắc xin sởi.
- KHÔNG nên tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỉ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra trong số phụ nữ được tiêm phòng trong thời kỳ mang thai. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc xin sống khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng sau tiêm vắc xin.
- Không tiêm vắc xin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.
- Có thể tiêm vắc xin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.
17. Có thể tiêm vắc xin sởi cùng với vắc xin DPT, viêm gan B... không?
Có thể tiêm vắc xin sởi cùng với vắc xin DPT, viêm gan B hay vắc xin phòng uốn ván mà vẫn đảm bảo hiệu lực của vắc xin nhưng nên tiêm ở hai chi khác nhau.
18. Tiêm vắc xin sởi có thể bị nhiễm vi rút sởi không?
Có, bởi vì vắc xin chứa vi rút sởi đã bị làm yếu nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm vắc xin bị mắc sởi. Triệu chứng thường nhẹ. Những người này không gây lây nhiễm vi rút cho người khác nên không cần cách ly.
19. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vắc xin sởi?
- Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm…Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm.
20. Những đối tượng sau đây không nên tiêm phòng vắc xin phòng rubella.
- Những phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Những người dị ứng với thuốc Neomycine, dị ứng với trứng.
- Những người có phản ứng với những lần tiêmngừa rubella trước.
- Người bị suy giảm miễn dịch, hoặc đang sửdụng những thuốc ức chế miễn dịch.
- Bệnh nhân đang bị bệnh ác tính về máu.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm da hóa mủ, viêm amygdale cấp tính...
Người viết tuyên truyền
Nguyễn Vân Anh
|
P.Hiệu trưởng
Thẩm Thị Biết
|