Tháng 11 với bao hoạt động và phong trào thi đua sôi nổi chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam vừa qua đi. Mở đầu cho tháng cuối năm này, sáng thứ ba ngày 4 tháng 12 cô giáo Bùi Thị Thắm cùng với học sinh lớp 4A3 đã thực hiện một tiết học theo phương pháp Bàn tay nặn bột thật bổ ích và lý thú. Đây là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm , tìm tòi, áp dụng cho các môn Khoa học tự nhiên.Vì thế ở Tiểu học phương pháp này được khuyến khích đưa vào giảng dạy trong các tiết Khoa học lớp 4,5 và TNXH lớp 1,2,3. Phương pháp Bàn tay nặn bột chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát , nghiên cứu tài liệu hay điều tra. Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, phương pháp này luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên. Mục tiêu của phương pháp BTNB là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, Phương pháp BTNB còn giúp học sinh rèn kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ thông qua viêc trình bày – nói và viết – về nghiên cứu của nhóm và của cá nhân mỗi học sinh.
Bám sát mục tiêu và hình thức dạy học như vậy, giờ học môn Khoa học của cô trò lớp 4A3 với bài Nước bị ô nhiễm đã diễn ra sôi nổi và đầy hào hứng. Các em học sinh được xem môt phóng sự ngắn về thực trạng nước sinh hoạt của người dân, về tình trạng các nguồn nước mặt ở Hà nội hiện đang bị ô nhiễm rất đáng lo ngại. Từ đó dẫn đến việc hình thành các câu hỏi Thế nào là nước sạch ? Thế nào là nước bị ô nhiễm ? Để đi tìm câu trả lời, học sịnh cùng nhau làm thí nghiệm lọc nước theo sự hướng dẫn của cô giáo. Các dụng cụ thí nghệm rất dễ kiếm: chỉ cần mấy chiếc vỏ chai sạch học sinh tự chuẩn bị và mấy chai nước máy, nước mưa, nước đã qua sử dụng tại gia đình được các em mang tới lớp. Các em học sinh sau khi làm thí nghiệm đã tự rút ra được bài học về nước bị ô nhiễm. Cũng sau bài học các em đã tự nhận thức được việc cần bảo vệ sự trong sạch cho nguồn nước quan trọng thế nào đối với đời sống con người. Đó chính là cái đích cuối cùng của giờ học mà giáo viên không cần phải gò ép học sinh vào khuôn mẫu của sách giáo khoa. Vì kiến thức chính các em đã rút ra được sau quá trình xem phim và làm thí nghiệm. Các em thấy tự tin hơn vào bản thân mình, thấy giờ học thật bổ ích và lý thú. Mong rằng có thêm nhiều giờ học trải nghiệm như thế để học sinh ham học hơn, hiểu bài sâu sắc hơn và yêu trường yêu lớp, yêu thầy cô hơn. Cũng mong rằng trường TH Long Biên mau có phòng Thí nghiệm để các giờ học theo phương pháp BTNB thầy và trò được làm nhiều thí nghiệm phong phú hơn, có tính khoa học và độ chính xác cao hơn nữa, góp phần làm tăng chất lượng dạy và học của thầy trò nhà trường.