Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại trẻ em là những chủ đề quan trọng và cần thiết trong giáo dục sức khỏe cộng đồng. Đây là những yếu tố giúp bảo vệ quyền lợi và sự phát triển lành mạnh của trẻ vị thành niên. Với mong muốn các em học sinh được phát triển một cách toàn diện, để làm được điều đó, các bạn học sinh cần được quan tâm tới chăm sóc sức khỏe bản thân cả về thể chất và tinh thần. Khi bước vào lứa tuổi này các con cũng có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nhằm trang bị các các em những kiếm thức tâm sinh lý ở tuổi này, giúp các em chuẩn bị những hành trang cần thiết, không ngại ngùng, hoang mang, lo lắng. Trung tâm y tế quận Long Biên phối hợp với trường Tiểu học Long Biên tổ chức tuyên truyền cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên và phòng chống xâm hại trẻ em.
Cô Kim Thị Hồng Lụa – Báo cáo viên – Cục dân số tuyên truyền
Buổi tuyên truyên được chia sẻ bởi cô Kim Thị Hồng Lụa – Báo cáo viên – Cục dân số. Với cách tiếp cận gần gũi, cởi mở, báo cáo viên đã hướng dẫn các bạn học sinh cùng tìm hiểu và cách chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên. Giúp các em học sinh hiểu biết đúng những thay đổi ở lứa tuổi này, cung cấp thông tin, kỹ năng cần thiết để các em hiểu và bảo vệ sức khỏe của mình như:
Tuổi dậy thì và thay đổi cơ thể: Ở tuổi dậy thì, cơ thể của thanh thiếu niên trải qua nhiều thay đổi về cả thể chất và cảm xúc. Có sự khác biệt rất rõ ràng ở bạn nam và nữ. Các em rất cần được giáo dục để hiểu biết những thay đổi đó và đón nhận những thay đổi này một cách tự nhiên. Các em biết yêu quý, biết bảo vệ, chăm sóc cơ thể của mình.
Kỹ năng tự bảo vệ: Giúp các em xây dựng kỹ năng từ chối và tự vệ khi cần thiết, tránh các hành vi có thể dẫn đến xâm hại trẻ em.
Mở lòng và tìm hiểu: Cha mẹ và giáo viên luôn tạo môi trường thoải mái để các em có thể dễ dàng trao đổi và đặt câu hỏi về sức khỏe sinh sản, cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể mình.
Hướng dẫn trách nhiệm và đạo đức: Thúc đẩy nhận thức về trách nhiệm trong các mối quan hệ và xây dựng kỹ năng giải quyết xung đột trong lứa tuổi này.
Sử dụng tư vấn học đường: Để tránh những rủi ro không mong muốn, thanh thiếu niên nên được khuyến khích tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường về sức khỏe hoặc tìm hiểu ở cơ sở y tế uy tín.
Học sinh chia sẻ hiểu biết của bàn thân
Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Phòng chống xâm hại trẻ em không chỉ cần sự quan tâm từ gia đình mà còn từ cả xã hội và các cơ quan pháp luật. Mỗi học sinh cần nhận biết:
Nhận biết dấu hiệu xâm hại: Dấu hiệu xâm hại có thể bao gồm thay đổi trong hành vi (thường buồn bã, lo âu, sợ hãi), hay có các chấn thương không rõ nguyên nhân trên cơ thể.
Kỹ năng tự bảo vệ: Các em biết cách bảo vệ cơ thể, không để người lạ chạm vào các vùng riêng tư, và biết nói “không” khi cảm thấy không an toàn.
Nhận diện hành vi nguy hiểm: nhận diện các hành vi không phù hợp từ người khác và biết cách tìm sự trợ giúp kịp thời.
Lời khuyên phòng chống xâm hại:
Xây dựng lòng tin và kỹ năng giao tiếp: Cha mẹ, thầy cô nên thường xuyên trò chuyện để trẻ có thể chia sẻ những điều chúng thấy bất thường hoặc không thoải mái.
Dạy con biết tìm đến người lớn tin cậy: Hướng dẫn trẻ tìm đến giáo viên, người thân hoặc người có thể giúp đỡ nếu trẻ cảm thấy không an toàn.
Giám sát hoạt động của trẻ: Cha mẹ, thầy cô cần quan tâm đến hoạt động hàng ngày của con khuyến khích con tham gia các hoạt động lành mạnh an toàn, nhắc nhở hoặc hạn chế để con tiếp xúc với những nơi hoặc người không an toàn.
Việc giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại cho trẻ vị thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội. Điều này giúp các em có một cuộc sống an toàn, lành mạnh và có đủ kiến thức để bảo vệ bản thân trước những rủi ro trong cuộc sống.