Nhà sử học người Mỹ Henry Brooks Adams đã từng nói: “Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. Ta không thể biết được khi nào thì ảnh hưởng ấy dừng”. Điều này cho chúng ta thấy người thầy luôn phải là một tấm gương cho học sinh noi theo. Đặc biệt, với lứa tuổi học sinh tiểu học thì tấm gương ấy không ai khác chính là người GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM.
Ngoài những việc mà một người giáo viên luôn thực hiện khi nhận một lớp mình chủ nhiệm như: Tìm hiểu, nắm bắt đối tượng học sinh; Hoàn thiện tổ chức lớp; Lập sơ đồ tổ chức lớp học; Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể; Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn; Kết hợp với Chi hội cha mẹ học sinh, gia đình học sinh; Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể; Xây dựng kế hoạch giáo dục học sinh cá biệt;… thì một người giáo viên chủ nhiệm thực sự cần xác định được vai trò của mình không chỉ dừng lại ở đó:
1/ Xây dựng văn hóa riêng cho lớp mình chủ nhiệm:
Bạn có nghĩ rằng một cái ôm, một cái bắt tay mỗi buổi sáng sẽ làm tăng tình cảm cô trò? Bạn có tin rằng một mẩu giấy yêu thương được dúi vội vào tay một cậu học trò tinh nghịch sẽ làm cậu bé đó trở nên ngoan ngoãn, nghe lời cô hơn? Bạn có tự hào khi học trò của bạn biết yêu thương và sẻ chia với những mảnh đời khó khan? .. Hãy làm tất cả những điều này để bất kì ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt của học sinh lớp bạn và các lớp khác.
2/ Là một người bạn tốt:
Bạn là người rất gần gũi với học trò? Vậy thì đừng dừng lại ở những cái ôm thân thiện mà hãy cố gắng để học sinh luôn cởi mở với bạn, chia sẻ với bạn những điều mà có thể chúng chẳng muốn nói với ai. Nếu đạt được điều này, bạn đã có một bước khởi đầu thành công.
3/ Luôn công bằng:
Đây là điều mà nhiều giáo viên cho rằng mình đã và đang làm tốt. Nhưng không, bạn có chắc chắn rằng mình không ưu ái một cô bé, cậu bé học trò nào khi chúng là … con của người bạn thân, con của bác trưởng ban đại diện lớp,…? Bạn có chắc rằng mình chưa từng khắt khe hơn với một cậu bé hiếu động, hay làm mất điểm thi đua của lớp? Rõ ràng chúng ta đang thiên vị mà không biết, đang đối xử thiếu công bằng mà chẳng hay. Vậy hãy bằng sự quan sát tinh tế, bằng tình yêu thương và cái tâm của nhà giáo để tìm hiểu sự khác biệt của mỗi học sinh để từ đó chúng ta có cách giáo dục cụ thể mà không để ảnh hưởng tâm lí của các em. Bạn không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm ấy. Bạn hãy giúp em nhận ra, phát triển chúng thêm.
4/ Hạ mình khi cần thiết:
Bạn đừng bao giờ nghĩ mình là giáo viên chủ nhiệm thì mình luôn đúng, học trò chỉ là những đứa trẻ non nớt cần được dạy dỗ, uốn nắn. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời, lúc này bạn lại trở về là một người bạn thực sự.
5/ Khơi dậy sự tự tin cho mỗi học sinh:
Tự tin là một trong những yếu tố giúp con người có gặt hái được thành công trong cuộc sống. Tự tin không đồng nghĩa với với tự cao, tự kiêu, nếu không phân biệt những điều này sẽ dẫn đến thất bại trong cuộc sống. Vậy là một người luôn gần gũi với các em thì giáo viên chủ nhiệm cần làm gì để giúp học trò của mình có đầy đủ sự tự tin để đạt được thành công trong tương lai?
Thứ nhất: Tìm hiểu nguyên nhân tại sao học trò của mình thiếu tự tin để từ đó có biện pháp cụ thể giúp đỡ các em.
Thứ hai: Giúp học trò phát triển về ngôn ngữ bởi ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giao tiếp, điều đó có nghĩa nó cũng rất quan trọng để tạo nên sự tự tin của học sinh khi giao tiếp với người khác. Nếu trẻhọc sinh diễn đạt tốt, vốn từ tốt thì có thể tự tin nói chuyện, tự tin phát biểu trước đám đông.
Thứ ba: Rèn luyện cho học sinh sự tự lập, đừng làm thay, làm hộ nữa mà hãy kiên trì để học trò tự làm lấy phần việc của mình
Thứ tư: Giúp học sinh nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân bởi khi học sinh của bạn nhận thức được ưu điểm và nhược điểm thì chúng sẽ tự tin phát huy những điểm mạnh và bạn sẽ định hướng để học trò khắc phục những nhược điểm của bản thân để hoàn thiện hơn.
Thứ năm: Hãy giúp học sinh biết xác định mục tiêu và nuôi dưỡng ước mơ. Hãy để các em tự do nói ra những ước mơ của bản thân, sau đó bạn sẽ định hường những ước mơ có thể thực hiện được. Hướng dẫn các em cách xác định mục tiêu để có thể đạt được ước mơ đó. Ví dụ con muốn trở thành một ca sĩ thì con phải tự tin hát trước chỗ đông người, biết hát, biết nhảy….Khi học sinh biết được để đạt được ước mơ của mình thì trước tiên phải đạt được các mục tiêu đó.
Trên đây là một vài chia sẻ của bản thân tôi sau 15 năm là giáo viên chủ nhiệm. Chúc các bạn giáo viên chủ nhiệm sẽ luôn thành công với vai trò của mình.