"Họp phụ huynh, giáo viên dành thời gian chủ yếu
để bêu tên những học sinh có học lực yếu kém, vô kỷ luật. Nếu tôi là bố của học
sinh đó, có lẽ tôi phải tìm chỗ đất mềm để độn thổ", PGS Nguyễn Hữu Hợp,
giảng viên ĐH Sư phạm chia sẻ.
PGS.TS: Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên
trường Đại học Sư phạm
Tôi đi họp phụ huynh cho con gái (học cấp 2). Chủ quan
tôi nghĩ, nội dung và cách tổ chức cuộc họp như thế này là khá phổ biến hiện
nay. Về nhà, có vài suy nghĩ nhắn gửi cho những ai quan tâm.
1. Tôi nhận được tin nhắn về ngày, giờ, địa điểm cuộc
họp. Đến họp mà không biết mục đích, chương trình, nội dung của cuộc họp là gì.
Báo họp thì đến thôi.
Lời khuyên: Giáo viên nên thông báo trước mục
đích, nội dung chủ yếu của cuộc họp để phụ huynh chủ động, nhất là có những biện
pháp, góp ý cho nhà trường, cho lớp.
2. Nội dung chủ yếu của cuộc họp hôm ấy là thông báo kết
quả học tập của lớp. Điều tôi ái ngại là, giáo viên dành thời gian chủ yếu để
nêu tên những học sinh có học lực yếu kém, vô kỷ luật. Nếu tôi là bố của học
sinh đó, có lẽ tôi phải tìm chỗ đất mềm để độn thổ. Tôi cho rằng đó là sự xúc
phạm, thái độ thiếu tôn trọng những phụ huynh này. Những phụ huynh khác cũng
không có hứng thú gì với chuyện đó.
Lời khuyên: Nội dung cuộc họp nên thông
báo chung tình hình học tập, rèn luyện của học sinh, những biện pháp giáo dục của
giáo viên giúp học sinh tiến bộ hơn, những hoạt động giáo dục sắp tới được tổ
chức, bàn sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình...
Đối với những học sinh "cá biệt", giáo viên
nên gặp riêng phụ huynh để thông báo, tìm hiểu nguyên nhân và nhất là bàn biện
pháp giúp trẻ tiến bộ. Để giúp những phụ huynh khác biết thì chỉ nêu hiện tượng
mà thôi, tuyệt đối không "bêu" tên cụ thể những em này.
3. Khi phân tích nguyên nhân học yếu kém, vi phạm kỷ
luật của những em "cá biệt", giáo viên luôn nhấn mạnh "do các em
chưa có ý thức học tập, chưa chịu khó học". Tôi nghĩ, nhận định như vậy là
không xác đáng, bởi lẽ:
Trong trường hợp các em không biết thì giáo viên phải
giúp trẻ biết điều đó. Việc "bêu" tên không giúp ích gì cho trẻ. Lỗi
trên là lỗi hành vi, chứ không phải ý thức.
Tôi cho rằng, những học sinh này có kết quả học tập thấp
và vi phạm kỷ luật xuất phát từ việc "học không được". Cụ thể, đó là
do những em này hổng kiến thức và kỹ năng nên không thể tiếp thu được nội dung
bài học. Không tiếp thu được thì không muốn học, chán học, phá rối... Vì vậy,
trong việc này, không chỉ học sinh có lỗi mà cha mẹ và giáo viên cũng phải chịu
trách nhiệm. Nên nhớ: việc học tập chỉ có hiệu quả khi nó mang lại thành công
cho học sinh (với các mức độ khác nhau, tùy năng lực từng em), chỉ khi thành
công thì các em mới thích học; ngược lại, nếu bị thất bại thường xuyên thì đừng
hy vọng rằng các em ham học.
Lời khuyên: Giáo viên nên tìm hiểu nguyên nhân
của từng trường hợp cụ thể, nhất là học lực của các em, phát hiện ra những lỗ hổng
kiến thức và kỹ năng và từ đó, bàn bạc với gia đình giúp trẻ tiến bộ (và chính
giáo viên cũng cần tác động riêng để trẻ tiến bộ). Bên cạnh đó, giáo viên cũng
nên xem lại nội dung và phương pháp dạy học của mình (ví dụ: tự trả lời câu hỏi
"Mình có thể dạy khác được không để học sinh học tập tốt hơn?"...).
4. Suốt cả buổi họp, hầu như giáo viên độc thoại (và
nói rất nhanh, thậm chí phụ huynh nghe không hết). Cuối buổi họp (lúc ấy đã khá
muộn), giáo viên mới hỏi "Có bác phụ huynh nào có ý kiến gì không?".
Lời khuyên: Nên đi theo từng vấn đề và sau từng
nội dung đó, dành thời gian thích hợp để phụ huynh thảo luận, chủ yếu là nhằm
giúp học sinh tiến bộ, giúp nhà trường và giáo viên giáo dục các em có chất lượng
và kết quả tốt hơn.
5. Trong những "yếu kém" của học sinh được
giáo viên nêu, có việc "các em không chịu học thuộc lòng". Qua đây mới
biết là giáo viên nhiều môn yêu cầu học sinh học thuộc lòng. Giáo viên phải biết
rằng, bắt học thuộc lòng là dạy con vẹt chứ không phải dạy người, thuộc lòng
hôm nay thì mai hoặc ngày kia sẽ quên...
Lời khuyên: Trong dạy học, giáo viên nên giúp
trẻ tự phát hiện tri thức mới, cho các em sử dụng, liên hệ, luyện tập... một
cách thích hợp để kiến thức, kỹ năng trở nên bền vững, hạn chế tối đa học thuộc
lòng. Nên nhớ: cái cốt yếu là tư duy, mà không phải kiến thức, bởi có tư duy sẽ
có kiến thức, có kiến thức chưa hẳn có tư duy; kiến thức thiếu tư duy sẽ mau
chóng mai một, quên lãng.
6. Giáo viên luôn tỏ rõ uy quyền của mình với học sinh
và phụ huynh với tư cách người dạy. Giáo viên đã chưa làm tốt tư cách nhà giáo
dục, lại càng chưa có khả năng làm được nhà tư vấn học đường cho học sinh và phụ
huynh. Giáo viên có thể rất quan tâm, thương yêu học sinh, nhưng chỉ bằng lời
nói là không đủ (A. Macarenko đã phê phán điều này).
Lời khuyên: Giáo viên nên gần gũi học sinh hơn
nữa, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng em. Tình cảm mà thầy cô dành cho học
sinh có lẽ là thứ "keo" tuyệt vời nhất và đó cũng chính là yếu tố
khơi dậy sự tự tin, mong muốn tiến bộ ở từng em. Với sự hiểu biết của mình,
giáo viên cũng nên tư vấn cho phụ huynh về biện pháp giúp trẻ tiến bộ...