Mùa thu đi qua, mùa đông đang về trên miền bắc nước ta. Đây cũng là thời điểm giao mùa, là thời điểm mà nhiều bệnh có thể xuất hiện như cảm cúm, sốt, ho, viêm họng, sốt phát ban, viêm màng kết , bệnh thủy đậu…. khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng. Khi đã mắc bệnh, nhiều em học sinh phải nghỉ học ít nhất vài ngày, có trường hợp kéo dài hàng tuần.
Để giúp các em nắm vững được các biểu hiện của các bệnh để chủ động phòng và tránh cho mình, xin giới thiệu một số triệu chứng của một số bệnh thường gặp để các em nắm được các biểu hiện của bệnh, từ đó có ý thức giữ gìn, phòng tránh.
Đau họng: Do vi khuẩn hoặc virus gây ra
Triệu chứng: các triệu chứng thường xảy ra bất ngờ như: sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và hay thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch.
Chữa trị: cần đến bác sĩ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Bác sĩ sẽ cho uống kháng sinh trong 10 ngày nếu do vi khuẩn. Trong quá trình điều trị học sinh vẫn có thể đến trường học.
Cảm/cúm
Cảm do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do virus. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh.
Triệu chứng: người bị cảm thường nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.
Chữa trị: không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho học sinh nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên cho học sinh nghỉ học vài ngày. Hiện đã có vắc-xin phòng cúm nhưng PHHS nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa đi tiêm.
Bệnh sốt phát ban
Hầu hết trẻ mắc bệnh này trước khi học mẫu giáo, nhưng cũng có những trẻ gặp phải khi học tiểu học.
Triệu chứng: biểu hiện rõ nhất là sốt và nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.
Chữa trị: bệnh do lây nhiễm virus vì thế không thể làm được gì ngoài việc điều trị những triệu chứng. Có thể truyền bệnh khi mẩn đỏ chưa xuất hiện, còn khi đã có biểu hiện thì không lây sang người khác nữa.
Viêm màng kết
Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.
Triệu chứng: mắt đỏ và cộm. Đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
Chữa trị: cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do virus thì bệnh sẽ tự khỏi.
Bệnh thủy đậu
Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Bệnh lây lan do người bệnh ho phát tán virus trong không khí và người lành hít phải.
Triệu chứng: triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 - 21 ngày từ khi nhiễm virus. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.
Chữa trị chủ yếu vẫn điều trị theo triệu chứng của bệnh.
Phương pháp phòng một số bệnh như sau
Thường xuyên nhắc giữ vệ sinh cá nhân tốt như vệ sinh răng miệng bằng dung dịch nước muối hoặc nước súc miệng fluor, nhỏ thuốc mũi, thuốc mắt.
-Thời tiết lạnh , độ ẩm không khí cao nên giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực, đăc biệt cần đeo khẩu trang, đi tất khi đi học.
-Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nên ăn thức ăn khi còn nóng, cung cấp cho cơ thể đủ lượng calo cần thiết để tăng cường sức đề kháng.
- Giữ gìn vệ sinh và môi trường xung quanh như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh...
- Nếu HS có biểu hiện sốt, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thầy thuốc khám, tư vấn chăm sốc và chỉ định điều trị.
- Khi trẻ sốt, dễ mất nước nên phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước, nước hoa quả, dùng khăn chườm nước ấm hạ sốt, nếu có thể bù nước bằng ORS.
Trên đây là một số biện pháp đơn giản thiết thực với cuộc sống hàng ngày, mong muốn rằng những thông tin trên sẽ hữu ích cho các em HS giúp các em biết cách phòng và phát hiện bệnh cho chính mình và những người thân yêu. Chúc các em có một sức khỏe thật tốt, một cuộc sống đầy ắp những niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc.