Tình mẫu tử - Nhà xuất bản Trẻ
TG: Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên
Trên cuộc đời này, ngày nào còn có mẹ là ngày ấy chúng ta cảm thấy mình hãy còn hạnh phúc, vậy mà đôi khi chúng ta cũng làm mẹ buồn phiền, có lỗi với mẹ. Chính vì vậy hai nhà văn Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên đã cho ra đời tập truyện "Tình mẫu tử" sẽ giúp bạn đọc nhỏ tuổi và cả người lớn chúng ta có được giây phút bổ ích và suy ngẫm lại từng ngày tháng qua có lần nào mình làm mẹ buồn lòng, mình đã làm được gì để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.
Các bạn hãy nhìn phía trên bìa sách là dòng chữ vàng "500 câu chuyện đạo đức", phía dưới là dòng chữ xanh "Nhà xuất bản Trẻ", in trên khổ 11,5cm x18,5cm với thiết kế nhỏ gọn và màu sắc bắt mắt, sách gồm 14 câu chuyện cảm động về tình mẹ con, chữ được in ấn rõ ràng, câu văn mạch lạc.
Ở câu chuyện đầu tiên đã cuốn hút người đọc bởi hình ảnh người phụ nữ có nét đẹp chất phác, đôn hậu, tần tảo, hi sinh hết lòng vì chồng con và một cậu con trai xem mẹ của mình là người đẹp nhất và cậu bé so sánh Mẹ của mình như nàng Bạch Tuyết với cách sống đơn giản, phải làm việc từ sáng đến tối mịt mà vẫn đẹp. Cậu bé mạnh dạn viết thư cho một công ty mỹ phẩm để được công ty chọn mẹ của cậu bé làm người đại diện cho sản phẩm làm đẹp. Vậy người phụ nữ đó như thế nào mà cậu bé xem là đẹp nhất và vẻ đẹp đó ra sao? Cuối cùng giám đốc công ty mỹ phẩm có chọn mẹ cậu bé làm hình ảnh quảng cáo cho công ty hay không? Muốn biết chúng ta sẽ tìm đọc đến câu chuyện "Ai là người đẹp nhất?" ở trang 7.
Nổi bật nhất là câu chuyện "Tình mẫu tử" làm chúng ta vô cùng cảm động, vì thế tác giả đã lấy tên câu chuyện đặt cho tập truyện này. Qua hình ảnh mẹ con mèo Mướp đã làm cho cô bé trong câu chuyện nghĩ đến mẹ và cảm thấy mình có lỗi với mẹ khi không nghe lời, có thái độ vùng vằng với mẹ. Con mèo Mướp trong câu chuyện là hung thần của lũ chuột, nhưng là một mèo mẹ hiền lành với đám con mới sinh. Bởi thế mà người xưa có câu: "Hổ dữ không nỡ ăn thịt con". Với con người tình mẫu tử là điều thiêng liêng nhất, đã gắn kết mẹ với con từ khi còn trong bụng, mẹ đã làm tất cả để chăm sóc con nên người. Vì vậy, những lúc vô ý làm mẹ phiền lòng chúng ta hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi như cô bé trong câu chuyện, lúc đó bạn sẽ thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm và bình yên, câu chuyện trên vô cùng có ý nghĩa và được thể hiện ở trang 80.
Và còn nhiều câu chuyện nữa rất hay sẽ giúp chúng ta thấy được công lao trời biển của mẹ.
"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?"
Phải nói rằng cả một tập truyện, mỗi câu chuyện là tình cảm yêu thương nồng nàn, là sự kính trọng biết ơn vô bờ bến đối với mẹ, là sự hối hận, day dứt, đau khổ khi làm mẹ buồn lòng. Những tình cảm thiêng liêng cao cả của mẹ đối với con, chúng ta không thể cân, đong, đo, đếm được.
Hãy yêu thương và đừng bao giờ để mẹ buồn lòng, bởi lẽ:
"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi"
Trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta hình ảnh người mẹ vẫn luôn bên cạnh, động viên, an ủi khi chúng ta gặp khó khăn, hụt hẫng giữa dòng đời với bao gian khổ, hạnh phúc. Nếu như không có mẹ dẫn dắt, dạy dỗ thì chúng ta sẽ không trưởng thành như ngày hôm nay.
Toàn bộ tập truyện là những bài học đạo đức giáo dục các em học sinh phải yêu thương mẹ. Chắc chắn quyển sách này còn nhiều điều lý thú và ý nghĩa hơn nữa, các em có thể tìm thấy quyển sách này trong tủ sách đạo đức tại Thư viện trường nhé.
Xin trân trọng cảm ơn!