Chủ đề: “ Kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam 30/4”
I. Thời gian giới thiệu: Giờ chào cờ ngày 03/4/2023
II. Người giới thiệu: HS Lớp 4A2
III. Đối tượng nghe: Học sinh và giáo viên toàn trường.
IV. Địa điểm giới thiệu: Tại sân trường.
V. Hình thức giới thiệu: Bảng tin phòng thư viện
Trong giờ đọc sách của học sinh
VI. Thông tin thư mục: Cuốn Sách “Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953-1954”
VII. Nội dung: (có đính kèm)
Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Chiến sỹ anh hùng, đầu nung lửa sắt
56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!....
(Trích bài thơ Hoan hô chiến sỹ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu )
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kì tích vẻ vang. Nó đã đưa nước ta sánh ngang tầm thời đại và được đánh giá là một sự kiện mang tầm vóc thế giới, xứng đáng là một chiến dịch “Lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu”. Năm tháng qua đi nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn ngày càng toả sáng đến tận những thế hệ mai sau. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo tiền đề đưa nước ta tiến đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Để kỉ niệm 48 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước(30/4/1975 – 30/4/2023), thư viện nhà trường muốn giới thiệu tới quý thầy cô và các em cuốn sách “Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953 – 1954” của tác giả Nguyễn Văn Khoan, do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2012, sách dày 161 trang, được in trên khổ14,5 x 20,5cm.
Nội dung cuốn sách bao gồm các bài viết sâu sắc và hóm hỉnh về những giai thoại bên kia chiến tuyến có ở phần 1 của cuốn sách; những tấm gương điển hình của quân và dân ta như Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn, Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót, Anh hùng Phùng Văn Khầu, người dũng sỹ đâm lê Hoàng Văn Nô… và nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ khác đại diện cho những con người làm nên lịch sử ngày 07/5/1954 - một chiến thắng được ví như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa lừng lẫy. Ở phần 3 và 4 của cuốn sách đề cập đến những bài báo của ta và nước Pháp bình luận về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về Điện Biên Phủ.
Báo chí Việt Nam đưa tin về Điện Biên Phủ có các bài viết như: Nói láo trên trời dưới đất nghe; Nội bộ Pháp lủng củng “Khi thất bại thì bọn “chính trị” Pháp đổ lỗi cho bọn “quân sự”. Bọn “quân sự” cãi lại. Ngày 29 tháng 4, tờ báo tư sản Pháp Người xem xét đăng một số ý kiến của một số lãnh tụ quân sự Pháp, tóm tắt như sau: “Khi đã rút khỏi Lai Châu và Nà Sản, mà pháp lại đưa gần 02 vạn quân Pháp vào thung lũng Điện Biên, đó là một tội ác chính trị…Đến mùa mưa thì quân đội Pháp hoặc chết đuối hết hoặc là đầu hàng”… “Máy bay Mỹ dội đạn lửa khắp xung quanh Điện Biên Phủ không làm nao núng quân đội kháng chiến mà chỉ tàn phá những làng mạc đông dân. Sự can thiệp của Mỹ đối với ảnh hưởng chính trị thì rất tai hại, đối với kết quả quân sự thì không ăn thua…”. Trong bài Pháp vỡ đầu, Mỹ càng méo mặt có đoạn viết “Điện Biên Phủ là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ. Vì Mỹ đã định ra kế hoạch Nava, đã giúp tiền bạc và vũ khí để thực hiện kế hoạch ấy…”; Trong bài “Từ biên giới tới Điện Biên Phủ” viết: “Tháng 10/1954, trong trận giải phóng biên giới, ta tiêu diệt và bắt sống hơn 4.500 tên địch…Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: Đó là thất bại to nhất trong lịch sử thực dân Pháp…Đến trận Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao. Bạn ta và nhân dân châu Á thì vui mừng. Phe đế quốc nhất là Pháp, Mỹ thì ngơ ngác”. Ngoài ra còn có các bài như: “Trời đất Việt không dung giặc Pháp; Quan binh Pháp không thương thương binh Pháp”.
Phân tích thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, một số báo của Pháp cho rằng… “Nước Pháp thua là vì tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa...”; các bài viết về phong trào nhân dân Pháp chống lại cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” có bài viết của Đại tá Pháp Lăng le, người đã tham gia chiến đấu đã bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ… năm 1963 đã viết: “Cuộc chiến tranh ở Đông Dương là một cuộc chiến tranh vì độc lập một dân tộc chống lại nước Pháp. Người lính Việt Nam đã tấn công vào các vị trí Điên Biên Phủ với một tinh thần can đảm như thế nào, họ chiến đấu để đuổi chúng ta ra khỏi nhà của họ, nơi không phải nhà của chúng ta”… Ngoài ra còn có rất nhiều tư liệu lịch sử quý giá của Pháp viết về Điện Biên Phủ mà tác giả đã thu thập được trong nửa thế kỷ. Với những nhận xét đánh giá về sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Phải là một vị tướng vĩ đại mới dám thừa nhận sai lầm của mình…Trong quân đội Pháp không có một vị tướng như vậy…Phải là một nhà chính trị vĩ đại mới dám không phục tùng và làm mếch lòng người bạn đồng minh Trung Quốc hùng mạnh. Phải có sự khiêm tốn của một người chỉ huy vĩ đại mới thấy được là không thể nói rằng Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể chiếm được…”.
Cuốn sách “Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953-1954” là tư liệu quý báu, giúp cho mỗi người dân Việt Nam và bạn đọc trên toàn thế giới có cái nhìn toàn diện hơn về trận chiến Điện Biên Phủ; góp phần làm cho kho tư liệu về những chiến thắng lịch sử của dân tộc thêm phong phú, sinh động hơn, hy vọng cuốn sách này sẽ giúp quý thầy - cô và các em học sinh nhiều điều bổ ích trong quá trình giảng dạy và học tập.
Thư viện Trường Tiểu học Long Biên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!