!important; Thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Các đồng chí lãnh đạo luôn coi trọng nội dung giáo dục phòng, chống tội phạm nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng. Hằng năm, các nhà trường phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên các trường THCS,THPT, Cao đẳng, Đại học, đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy; xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết. Việc lập hòm thư tố giác, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong và ngoài nhà trường được duy trì đồng thời với việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Hiện vẫn còn không ít học sinh, sinh viên chưa hiểu rõ và đầy đủ nguy hại của ma túy nên dễ bị lôi kéo. Đối với các em học sinh nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng cần trang bị kiến thức, kĩ năng để phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng xấu. Đặc biệt là các em nhỏ lứa tuổi tiểu học. Đây là lứa tuổi các em chưa thể tự nhận ra được những cạm bẫy liên quan đến ma túy. Chính vì vậy, các em cần được trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng chống ma túy, cần hạn chế đến các địa điểm không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi; không tiếp xúc với các đối tượng có biểu hiện nghiện ngập, thường xuyên có thói ăn chơi, đua đòi…
Thực hiện 05 nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
1. Nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học.
2. Nhiệm vụ tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc.
3. Nhiệm vụ xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học.
4. Nhiệm vụ phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể ( thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.
5. Nhiệm vụ triển khai bộ tài liệu " Kỹ năng phòng, chống ma túy" và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) đã cho ra mắt bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” và triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” hướng dẫn chuyên sâu về tác hại các loại ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy (những vấn đề đang thiếu hụt và thiết yếu đối với học sinh), là cẩm nang giúp các em nhận thức sâu sắc về về ma túy, tác hại của ma túy; giáo dục, trau dồi các kỹ năng sống tự hoàn thiện bản thân để chiến thắng ma túy, kỹ năng phòng ngừa từ xa, các tình huống nguy cơ, các kỹ năng tự bảo vệ mình.
Việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết. Ngoài việc tuyên truyền thông qua các hình thức tuyền thống, các em học sinh sắp được tiếp cận với bộ tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về tác hại các loại ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy. Hy vọng rằng, thông qua các chuyên đề, hội thảo, sách báo và các phương tiện truyền thông khác, các em sẽ tự trang bị cho mình những kĩ năng thật cần thiết để phòng, chống ma túy.