"Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng.” - Robertson Davies. Có một cuốn sách đã gây được tiếng vang rất lớn từ khi mới xuất bản, cũng đề cập đến những chuyến đi để trưởng thành, với nội dung xoay quanh cuộc hành trình phiêu lưu của nhân vật đã được tác giả nhân hóa để hàm ý trong các câu chuyện của nhân vật là những bài học cuộc sống vô cùng đắt giá. Đó chính là cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài - nhà văn vô cùng tài ba với các tác phẩm kinh điển gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ học sinh.
Cuốn sách được tác giả sáng tác có mười chương theo một trình tự xuyên suốt nhất định, mỗi chương gắn liền với một câu chuyện của Dế Mèn - nhân vật chính, nhân vật trung tâm, là linh hồn của cuốn sách, sau mỗi câu chuyện em tự ngẫm nghĩ và rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm ý nghĩa, từ đó giúp cho khả năng tư duy, kĩ năng sống được cải thiện đáng kể cũng như khiến em biết cách đối nhân xử thế, cách sống đẹp, sống có ý nghĩa để hoàn thiện bản thân hơn.
Có lẽ khi nhắc đến “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã không còn xa lạ đối với bao thế hệ học sinh từng nghe hoặc đọc qua câu chuyện này. Dế Mèn là một nhân vật rất bản lĩnh, dũng cảm khi hết lần này đến lần khác anh ấy đều gặp những chuyện không may xảy ra, thay vì chán nản, bỏ cuộc, ủ rũ thì cậu Dế vẫn kiên cường và tiếp tục cuộc hành trình khám phá thế giới của mình.
Mở đầu truyện Tô Hoài đã có những lời giới thiệu về nhân vật: Dế Mèn là con út trong gia đình, trước anh ấy có hai anh trai. Từ nhỏ Dế Mèn đã sống độc lập, vốn có tính tinh nghịch, thích trêu chọc người khác. Trong một lần trêu chị Cốc, Mèn đã gây ra cái chết vô cùng thương tâm cho Dế Choắt và sau cái chết của Choắt, Mèn cảm thấy rất ân hận. Chỉ vì một sự ngỗ nghịch, một hành động đùa giỡn, vô lo vô nghĩ đã khiến cho Dế Mèn ân hận suốt cuộc đời. Bài học đường đời đầu tiên ấy đã ghi vào trong tâm thức của Mèn khiến cậu ấy dần dần buông bỏ tính cách nghịch ngợm của cậu. Qua câu chuyện trên, Tô Hoài muốn gửi đến chúng ta một thông điệp: Trước khi làm bất cứ điều gì, chúng ta nên tĩnh lặng, dành thời gian suy nghĩ để phân biệt đúng sai, cũng như nghiêm túc, có trách nhiệm trong các việc mình làm, tránh các sai lầm đáng tiếc xảy ra và chúng ta sẽ không bao giờ có thêm cơ hội sửa sai nữa.
Khi em vẫn còn đắm chìm, hòa vào dòng suy nghĩ ân hận của Mèn về cái chết đáng tiếc của Choắt thì thật bất ngờ, một tình huống xảy ra, Mèn bị bắt bởi hai đứa trẻ, chúng mang anh ấy về nhà nhằm mục đích “giáp chiến” với chú dế nhà cạnh bên. Sau nhiều lần như vậy, Mèn cứ nghĩ mình chính là nhà vô địch, bị chiến thắng làm cho mờ mắt, không còn biết đúng sai. Một lần, Mèn được khuyên nhủ bởi Xiến Tóc - nhân vật sắp tới sẽ cho Mèn thêm một bài học mới, nhưng Mèn không nghe. Thế là tối hôm sau, Xiến Tóc đã dạy cho Dế Mèn một bài học nhớ đời bằng cách cắt cụt hai sợi râu. Dường như sự đau đớn đã giúp Mèn tỉnh ngộ sau “cơn mê”, Mèn đã rất ân hận và trốn thoát khỏi đó. Dế Mèn là một nhân vật sau các biến cố đã nhận thức được mình đang có những hành động sai trái, có thái độ ân hận và mong muốn sửa sai. Một tính cách tốt mà chúng ta nên học hỏi trong cuộc sống: dám nghĩ, dám làm, dám chịu.
Bên cạnh nhân vật Dế Mèn, em còn rất ấn tượng với nhân vật Dế Trũi. Ở Mèn và Trũi tồn tại một tình bạn đẹp đáng ngưỡng mộ. Sau khi về thăm gia đình, Mèn đã quyết định tìm một người bạn để cùng mình lên đường khám phá thế giới. Tình cờ thay Mèn đã gặp được Trũi trong tình cảnh Trũi bị Bọ Muỗn đe dọa, Mèn đã cứu Trũi thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Hai người đã kết thân bởi cái nghĩa cái tình, họ bắt đầu lên đường để chinh phục những điều mới lạ.
Trên chuyến phiêu lưu gian nan ấy, Dế Mèn đã gặp được thêm rất nhiều người bạn như là lão Chim Trả, bạn Kiến, thầy đồ Cóc, Ếch Cốm đại vương,..Mỗi người một tính cách, một câu chuyện khác nhau. Họ đều cho Mèn những bài học vô cùng bổ ích về cuộc sống.
Kết thúc câu chuyện các nhân vật nhận ra rằng dù mỗi người đã đi một ngả nhưng họ không cảm thấy buồn hay lẻ loi mà đổi lại là vô cùng vui vẻ vì đi đâu cũng có bạn. Nhân vật chính trở về với gia đình sau chuyến đi phiêu lưu dài, mẹ và anh hai của Mèn đã mất. Nhưng em nghĩ rằng họ cảm thấy rất tự hào về Dế Mèn vì anh ấy đã đúc kết cho mình được rất nhiều bài học cho bản thân, sống có trách nhiệm, bản lĩnh, dám đương đầu với những thử thách, khó khăn.
Quả thật, không thể phủ nhận rằng nhà văn Tô Hoài thật sự đã mang đến cho nền văn học Việt Nam một tác phẩm cực kì xuất sắc. “Dế Mèn phiêu lưu ký” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện nữa mà nó mang đến những giá trị tốt đẹp, giá trị chân-thiện-mĩ nhằm hướng con người tới những điều tốt đẹp.
Cuốn sách mang một giọng điệu tinh nghịch, cốt truyện theo diễn biến thời gian từ lúc nhân vật còn bé ngây thơ đến khi lớn lên trưởng thành, biết suy nghĩ nhiều hơn. Tác giả sử dụng rất nhiều các biện pháp nghệ thuật, nhưng đặc sắc và rõ nét nhất mà ta thấy được đó chính là biện pháp nhân hóa: các chú Dế có cảm xúc, suy nghĩ, hành động giống như con người. Chung quy lại, cuốn sách mang giá trị giáo dục rất lớn đối với các bạn học sinh, kể cả những người trưởng thành.
Em nghĩ rằng khi đọc xong cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu kí” và đóng nó lại, giá trị của cuốn sách sẽ không kết thúc tại đó mà giá trị lớn lao của nó sẽ được lưu giữ trong tâm hồn của mỗi người. Ai cũng sẽ nhớ đến “Dế Mèn phiêu lưu ký” và tự khai phá ra cho mình những bài học, triết lý sống có ích trong cuộc sống.