Mùa xuân mới sắp về, các em học sinh sẽ có những ngày nghỉ thoải mái để cùng sum họp đầm ấm bên gia đinh, họ hàng. Trong không khí những ngày Tết đang đến rất gần, chúng ta cùng tìm hiểu về Tết Nguyên Đán (Tết cổ truyền)
Tết cổ truyền ngày nghỉ dài nhất và quan trọng nhất trong năm. Ai đi xa học tập hoặc làm việc dù có bận rộn đến đâu cũng cố gắng về nhà thăm gia đình, bạn bè giúp tình cảm thêm gắn kết. Đây cũng là ngày tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình và dân tộc.Tết được hiểu là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết là để trở về, để sum họp, để đoàn viên. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, để ai dù có đi xa đến đâu, thì cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là cũng cố gắng trở về bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, người thân của mình. Trở về để cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn tụ, để tỏ lòng thành kính tổ tiên, ông bà, để gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
1. Lễ đưa Ông Táo về trời ( 23 tháng Chạp)
Người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc trong gia đình với Ngọc Hoàng và đến giao thừa thì Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa.
2. Tìm hiểu về Tết Nguyên Đán
Đối với số một số nước phương Đông trong đó có Việt Nam, đây là ngày Tết truyền thống là dịp lễ quan trọng. Đây là thời điểm bắt đầu cho năm mới với hi vọng về mọi sự may mắn, tốt lành. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng Tổ tiên. Theo phong tục người Việt, Tết được tính từ ngày 23 tháng Chạp (23 tháng 12 âm lịch ).
Đêm giao thừa, tất cả các gia đình thường tập trung tổ chức bữa cơm tất niên. Sau đó, họ sẽ đi chùa, đi lễ nhà thờ, đi hái lộc, ngắm pháo hoa, xông đất,… để đón một năm mới may mắn, rước lộc vào nhà.
Trong gia đình của người phương Đông thường có bánh chưng, mai, đào, quất,… Trẻ em được nhận lì xì ngày đầu năm.
- Sắm Tết
Sau ngày 23 tháng Chạp, mọi người bắt đầu bận rộn với việc đi mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho Tết .Vào những ngày này, người đi chợ đông hơn. Chợ hoa rực rỡ sắc màu xuất hiện ở nhiều nơi. Người ta đến chợ không chỉ để mua sắm hàng hóa mà còn để xem chợ, ngắm hoa.
Người Việt Nam rất coi trọng việc trang trí, bày biện trong ngày Tết. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà sự bày biện, trang trí có khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
-
Những món ăn cổ truyền ngày Tết
Thành ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu người ta cũng cố xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết, sao cho “già được bát canh, trẻ có manh áo mới”.
- Ngày Tất niên (29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp)
Đây là ngày cuối cùng của năm cũ, là ngày gia đình sum họp với nhau để ăn bữa cơm Tất niên. Con cháu có đi làm ăn nơi xa cũng nhớ ngày Tết về quy tụ cùng gia đình.
- Đêm giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.Trong thời khắc giao thừa, mọi người thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm lễ cúng giao thừa.
Lễ cúng giao thừa (hay lễ trừ tịch) là lễ cúng để đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ sắp qua, đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
- Ba ngày tân niên và phong tục mừng tuổi:
Phong tục xưa quan niệm: “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”.Ngày mồng 1 tháng Giêng được coi là ngày quan trọng nhất trong dịp Tết. Sáng sớm, người Việt không ra khỏi nhà mà chỉ bày cỗ cúng, ăn cỗ và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Sau đó, họ đến chúc Tết họ hàng bên nội và đến nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên. Ngày mồng 2 tháng Giêng, ở mỗi gia đình cũng có những hoạt động cúng lễ; sau đó, người ta đến chúc Tết họ hàng bên ngoại. Ngày mồng 3 tháng Giêng, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học. Dịp Tết cũng là dịp mọi người đến thăm hỏi bạn bè, họ hàng, hàng xóm để chúc nhau những điều tốt lành. Điều đó giúp cho tình cảm của mọi người thêm gắn bó. Vào dịp này, người ta cũng tặng nhau tiền bỏ trong bao giấy đỏ như một lời chúc may mắn. Tiền tặng nhau trong ngày Tết gọi là tiền mở hàng, tiền mừng tuổi hay tiền lì xì.
- Khai bút đầu xuân và tục xin chữ
Người Việt Nam vốn coi trọng chữ nghĩa, học hành. Đầu xuân, nhằm vào giờ tốt, học trò khai bút (viết một bài văn hoặc một câu thơ… đầu tiên trong năm) với mong muốn học hành giỏi giang. Cùng với việc khai bút, tục xin chữ cũng là một nét đẹp văn hóa của người Việt.
Ngày Tết Nguyên đán là một biểu tượng văn hóa vô cùng ý nghĩa của nước ta. Không khí đầm ấm, vui tươi của ngày Tết luôn là khoảnh khắc không thể quên của mỗi người. Tết cổ truyền mãi là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, là văn hóa tuyệt vời nhất cần được lưu truyền và gìn giữ. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn - 2024, xin kính chúc tất cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng các bạn học sinh trường Tiểu học Long Biên luôn mạnh khỏe, bình an, vạn sự như ý! HAPPY NEW YEAR.