Phương pháp "Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là sự quy trình hóa một cách logic phương pháp dạy học, dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến biết theo một phương pháp mới mẻ là để học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành.
Nhận thức được những vấn đề đó, tổ khối 4 đã xây dựng bàn bạc và thống nhất đưa ra tiết dạy khoa học bài : “Không khí cần cho sự cháy” bằng PPBTNB do cô giáo Nguyễn Thu Hằng thực hiện tại lớp học 4A5 trong tuần học 19.
Để chuẩn bị cho tiết dạy đạt hiệu quả cao, cô Hằng đã nghiên cứu bài rất kỹ, tìm tòi những PP dạy học tích cực để truyền tải đến các em học sinh.Tất cả những đồ dùng phục vụ cho tiết dạy cô và trò chuẩn bị rất đầy đủ : nến, lọ thủy tinh , bật lửa, các hình ảnh liên quan đến tiết dạy. Trong tiết dạy cô luôn quan tâm , gần gũi với tất cả đối tượng học sinh trong lớp. Trong quá trình dạy cô đã thực hiện đúng và đầy đủ 5 bước của tiết dạy theo PPBTNB.
Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề
Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh
Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm
Bước 4: Tiến hành thí nghiệm tìm tòi – nghiên cứu
Bước 5: Kết luận và hợp thức hóa kiến thức
Với các em học sinh cô luôn coi HS là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của cô. Các em học tập rất sôi nổi, tích cực tự đưa ra những câu hỏi thắc mắc của mình với nhóm để cùng nhau thảo luận. Trong quá trình thực hành TN, các em cùng nhau làm và quan sát ,sau đó đã đưa ra những câu hỏi và câu trả lời đúng với nội dung bài học.
Tiết dạy của cô thật hay đã đem đến cho các em học sinh sự hứng thú trong học tập. Đây cũng chính là tiết dạy hay mà chị em trong tổ khối 4 cần học hỏi và thực hiện áp dụng vào tiết dạy của lớp mình.
Sử dụng PP BTNB thường xuyên là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học, phát huy tính tích cực, sáng tạo, khắc sâu kiến thức, thích thú học của HS. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, PP BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho HS.