Độc đáo với “thư viện ngoài trời”
Đến thăm trường Tiểu học Long Biên quận Long Biên thành phố Hà Nội, một hình ảnh khá ấn tượng mà mọi người có thể dễ dàng nhận ra đó là những chiếc ô to mềm mại màu trắng che tủ sách và bàn đọc sách ngoài trời cho các em học sinh. Góc thư viện mở là mô hình thư viện thân thiện, là tâm huyết của Ban giám hiệu và các thầy cô nhà trường dành tặng cho các em học sinh thân yêu. Mô hình không chỉ gây được sự hứng thú và yêu mếm của các em học sinh, bởi các em không chỉ thấy dễ dàng trong việc tiếp cận được thông tin về các lĩnh vực của đời sống, kiến thức các môn học, mà thư viện còn là không gian sáng tạo được bố trí, trưng bày từ các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp các em thấy gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên.
Thư viện mở đưa đến cho học sinh, thầy cô giáo một hướng tiếp cận mới.
Điểm độc đáo của mô hình thư viện thân thiện là các em học sinh có thể xem thông tin qua sách báo ở thời điểm rảnh rỗi, dưới không gian thoáng đãng mát mẻ, tạo cho các em hứng thú và yêu sách nhiều hơn. Dường như đã trở thành thói quen, khi tiếng trống trường báo hiệu thời gian nghỉ giải lao là học sinh từ các lớp ùa ra sân rồi chia nhỏ thành nhiều nhóm đi về các góc thư viện trong sân trường, các ghế đá dưới tan cây, hành lang của lớp cầm cuốn sách mình yêu thích trên tay, say xưa đọc sách,bàn luận với nhau, những tiếng cười cứ thế râm ran.
Góc thư viện mở thu hút nhiều học sinh vào các giờ ra chơi
Thân thiện với thư viện lớp học
Với trường Tiểu học Long Biên từ ngày áp dụng mô hình thư viện như thế này, ý thức của các học sinh nâng cao rõ rệt, việc dạy học cũng trở nên hiệu quả hơn. Với số lượng học sinh đông thư viện chính của nhà trường cũng không đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu tìm và đọc sách của giáo viên và học sinh.Thì thư viện lớp học và thư viện ngoài trời đã mang đến sự thân thiện và tiện dụng trong việc tìm và đọc sách. Học sinh thoải mái lựa chọn sách để đọc, đồng thời nêu cao tinh thần bảo quản, đọc xong các em xếp sách thật ngay ngắn để lại trong hộp. Nhờ sự thuận lợi đó, mô hình trên đã thu hút học sinh đến với sách, trau dồi thêm kiến thức cho các em.
Với cách trưng bày trực quan, sinh động, bắt mắt, tiện lợi trong việc mượn và tìm sách nên hình thức thư viện thân thiện và tủ thư viện lưu động đã thu hút học sinh đến với sách, nâng cao văn hóa đọc trong học sinh. Nhờ vậy, chất lượng học tập được nâng cao, khả năng đọc hiểu của các em ngày càng tiến bộ, kiến thức của các em được trau dồi, mở rộng.
Thư viện ở hành lang mỗi lớp học
Thông qua mô hình thư viện mở, nhà trường mong muốn giúp các em học sinh có kỹ năng đọc tốt; phát triển lòng yêu sách và ham đọc sách. Qua đó, rèn luyện cho các em có thêm một số kỹ năng và giá trị sống cơ bản; tạo điều kiện để các em có thêm vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, từ đó mở rộng các mối quan hệ, giáo dục yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Ngoài ra, mô hình này cũng giúp người lớn hiểu về nhu cầu, sở thích của các con em qua việc tìm và đọc sách. Các tổ chức tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh tránh xa các trò chơi bạo lực.
Nguồn sách của thư viện luôn được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, tạo điều kiện với rất nhiều thể loại: Sách về Bác Hồ, truyện tranh, truyện cổ tích, khám phá thế giới, khám phá khoa học, sách về giáo dục kĩ năng sống... Bên cạnh đó nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, các em học sinh nhà trường luôn tích cực hưởng ứng phong trào quyên góp sách truyện với Chủ đề “Góp một cuốn sách nhỏ - Đọc ngàn cuốn sách hay”
Nếu được nhân rộng thực hiện thường xuyên, thư viện thân thiện sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về số lượng bạn đọc đến thư viện. Mô hình thư viện thân thiện phù hợp với mô hình trường học mới ở Việt Nam. Học sinh sẽ rèn luyện và trau dồi khả năng tự học, tự chủ, tự khám phá, tự quản. Đối với các trường có diện tích thư viện nhỏ thì mô hình thư viện mở càng trở nên cần thiết. Nhà trường sẽ luôn sáng tạo, đổi mới vận dụng nhiều phương pháp và cách làm hay thiết thực để giúp các em học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách – nguồn tri thức vô hạn của cuộc sống./.