Tháng Ba, khi tiết trời còn sót lại chút se se lạnh, từng ánh nắng cũng rót vàng như mật mênh mang khắp chốn nhân gian ấy là lúc phép màu chợt đến với những cây hoa gạo. Những cành cây gạo khẳng khiu đã trút hết lá trong mùa đông lạnh giá, nay lại hé nở từng búp lộc xanh non. Trên tán cây ấy lại bừng đỏ những bông hoa như thắp lửa rực rỡ trong tiết trời tháng ba.
Cây hoa gạo là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng. Cây hoa gạo đỏ có tên khoa học là Bombax ceiba và có nhiều tên gọi mỹ miều khác mà dân gian thường gọi: Cây hoa mộc miên, hồng miên, cây hoa pơ lang, ban chi hoa,…
Vào mùa đông cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá. Xuân sang, trong lúc những chiếc lá non tơ của cây gạo vẫn còn ngái ngủ trong lớp vỏ cây xù xì, gai góc thì từng chùm nụ hoa gạo màu xanh lục đẹp như những búp sen ngọc bích đậm chụm đầu gần nhau đã bắt đầu nhú lên từng đốm lửa hồng.
Những nụ hoa ấy được ôm ấp trong cái rét ngọt của tháng ba, dần dần hứng lấy làn mưa bụi mỏng cùng với những giọt nắng vàng non tơ rồi choàng mở mắt bật tung năm cánh đỏ thắm rực rỡ giữa đất trời. Bao nhiêu sức sống của cây gạo tích trữ trong suốt mùa đông, đến mùa Xuân như ào ạt bung ra thành từng chuỗi nụ hoa vẫy gọi ánh nắng mùa hè dần dần thức giấc.
Hoa gạo gắn bó với làng quê Bắc Bộ như một hình ảnh không thể tách rời như cây đa, bến nước, sân đình. Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo, sừng sững giữa đồng, hay nép mình nơi cổng làng. Theo thời gian, những cây gạo nghìn năm tuổi đã chứng kiến sự thăng trầm của từng ngôi làng qua nhiều thế kỷ và gắn bó với tuổi thơ của biết bao người…Cây gạo từ lâu trở thành linh hồn của mỗi làng quê, nó gắn với ký ức của những người con xa quê nhớ về nguồn cội. Hoa gạo khiến lòng người đi xa nôn nao, nhung nhớ. Cũng từ lâu, hoa gạo trở thành một đề tài riêng bất tận trong thơ và nhạc, để mỗi lần được đọc một bài thơ hay nghe một bản nhạc, lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi.
Yêu biết bao cây hoa gạo của làng quê Việt Nam!