Tác phẩm dự thi cuộc thi viết về: “Tấm gương nhà giáo Thủ đô tiêu biểu”
Họ tên: Nguyễn Văn Tuấn
Ngày sinh: 28/02/1979
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Long Biên
Điện thoại: 0962398111
Từ những ngày đầu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho đến nay, đã có không ít tấm gương người tốt việc tốt trên khắp cả nước. Tất cả đều muốn chung tay đóng góp công sức, trí tuệ vào việc để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhiều trong số họ là những thầy cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng trao cho, những người thầy cô không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” như thế, đó chính là người đồng nghiệp cũ của tôi, cô giáo Lưu Thị Quyến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Đức – Gia Lâm – Hà Nội
Cô Lưu Thị Quyến ( áo xanh thẫm ) – Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Đức
Cô là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý. Những năm công tác tại trường Tiểu học Văn Đức, cô đã xây dựng Hội đồng Sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời, luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Cô Lưu Thị Quyến luôn đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt, cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường.
Từ một cô giáo dạy lớp 4, bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, cô được phòng giáo dục huyện Gia Lâm đề bạt làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Dư trong thời gian 12 năm. Sau đó, cô được luân chuyển về trường Tiểu học Văn Đức công tác năm 2011. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, công tác quản lý của cô ở trường luôn kịp thời và thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn như: Quản lý chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, Công tác phối hợp trong tổ chức phong trào thi đua và hoạt động ngoài giờ lên lớp,…
Quá trình đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Văn Đức đã gắn các chuyên đề học tập và làm theo gương Bác với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô đã lãnh đạo nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, trong đó lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp cho phù hợp trong từng giờ dạy. Các thầy cô trong trường cũng thường xuyên quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho mỗi học sinh. Cô phân công giáo viên hướng dẫn cho các em tự học bài ở nhà, mở các lớp học võ, học các môn năng khiếu, tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh…Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mĩ.
Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi thầy, cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện.
Một điều đáng quí hơn cả, đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất về cả chuyên môn lẫn đối nhân xử thế. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình chị em cao cả. Cô là một trong những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” cho tập thể sư phạm chúng tôi noi theo. Cô không những yêu nghề, yêu thương học trò mà còn rất yêu lao động. Giờ nghỉ trưa, nhà ở xa, cô không về mà ở lại. Dưới cái nắng gay gắt cô vẫn cuốc đất trồng rau sạch vốn là “nghệ” của người dân đất rau Đông Dư và Văn Đức. Kĩ thuật trồng rau của cô thì không thể chê vào đâu được, cô đã truyền dạy kinh nghiệm trồng và chăm sóc rau cho chúng tôi nên vườn rau sạch của trường luôn xanh tốt. Giờ ra chơi, thầy trò chúng tôi ra bắt sâu cho rau nhìn ngắm những luống rau xanh non mơn mởn mà mắt chẳng muốn rời. Ngày nghỉ, với bộ quần áo lao động giản dị cô cùng người chồng chịu thương, chịu khó tra ngô, tra lạc, trồng rau, hái ổi…sau những ngày làm chuyên môn tại Viện 9 – Vĩnh Yên. Cô tâm sự: “Lao động là niềm vui, là rèn luyện sức khỏe.” Tuy cô bị bệnh viêm khớp, sức khỏe không được tốt nhưng cô luôn có mặt tại trường đúng giờ, chăm chỉ làm việc từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều để lo cho học sinh từ việc học đến việc ăn ở sinh hoạt nề nếp.
Ai đó đã từng nói: “Mỗi thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi lại nghĩ đến người Hiệu trưởng của mình tại ngôi trường trước đây tôi từng công tác và gắn bó 7 năm. Đối với tôi, cô Lưu Thị Quyến không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, người bạn thẳng thắn chân tình mà còn là một tấm gương để bản thân tôi học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Văn Đức trước đây và trường Tiểu học Long Biên hiện nay tôi đang công tác.