Một mùa thu nữa lại về, chân bước ngang qua con đường rợp bóng cây tôi thấy mái trường cũ - nơi tôi học cấp III - lại mờ mờ hiện ra sau màn sương mỏng manh. Mỗi khi trở về nơi này, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ đến những kỉ niệm thời cấp III với bao niềm vui, nỗi buồn của tuổi học trò, với bao nhiêu nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi về cô giáo chủ nhiệm của mình.
Hình ảnh cô giáo chủ nhiệm luôn hiện lên thật rõ nét trong tâm trí tôi - mặc dù cô đã rời xa chúng tôi gần 20 năm. Trở lại thăm trường cũ, những kỉ niệm về cô cứ hiện lên trong trái tim tôi như một thước phim quay chậm.
Cô giáo của tôi tên là Nguyễn Thúy Hiền – một cái tên thật đẹp! Cô là giáo viên giảng dạy bộ môn Tiếng Nga và chủ nhiệm chúng tôi suốt những năm cấp III. Con người cô thật giống với tên - cô rất hiền, nhẹ nhàng và tình cảm. Bao năm qua rồi, tôi vẫn không sao quên được dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng đúng “chất” con gái Hà Nội của cô. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Nga trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, cô tiếp tục sang Nga học chuyên sâu thêm 5 năm nữa. Về nước, theo tiếng gọi của lớp lớp thanh niên đi trước, cô cũng về vùng sâu vùng xa của tỉnh Bắc Giang dạy học. Sau đó cô được chuyển về ngoại thành Hà Nội và may mắn thay tôi được học cô. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô có lẽ là giọng nói: giọng của cô thật truyền cảm, thu hút với phát âm tiếng Nga rất hay và chuẩn. Cô yêu thương, quan tâm đến tất cả các học sinh trong lớp và cả những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Có lẽ vì đã hơn 30 tuổi mà chưa lập gia đình, chưa có con nên tất cả tình yêu thương, lo lắng của cô dành hết cho những đứa con “học trò” của mình.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, đến khi có điều kiện về nội thành công tác thì cô đã ngoài 40 tuổi. Vì yêu quý, gắn bó với mảnh đất ngoại thành Hà Nội này, gắn bó với những đứa con “học trò” nơi đây mà cô không muốn rời xa mái trường thân yêu này nữa. Vài năm sau nhờ người mai mối, cô về sống chung với chú. Những tưởng cuối cùng hạnh phúc riêng dù muộn mằn cũng đã đến với cô. Song, cuộc đời có ai biết được chữ ngờ. Khi tôi đang học ở trường Cao đẳng Sư phạm thì nghe bạn bè nói cô ốm nặng lắm, phải nằm viện lâu rồi. Tôi về thăm cô mà trong lòng như chết lặng khi biết cô bị ung thư, bệnh đã di căn. Tôi cùng bạn lớp trưởng lớp 12H ngày xưa vào thăm cô mà không sao cầm được nước mắt. Cô giáo xinh xắn, dịu dàng của chúng tôi ngày nào giờ đang nằm đó, gầy yếu chỉ còn da bọc xương, mái tóc đã rụng hết do dùng thuốc xạ trị. Cô trò tôi muốn nói với nhau ngàn lời mà sao chỉ có nước mắt tuôn rơi. Thương cô biết bao nhiêu cô ơi!
Chỉ hai tháng sau cô đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, đồng nghiệp và học trò. Đưa cô về nơi an nghỉ cuối cùng, không ai bảo ai mà lũ học sinh 12H chúng tôi ngày ấy không đứa nào muốn ra về, cứ muốn ngồi lại với cô mãi. Cô ơi, vậy là từ nay mỗi lần họp lớp chúng con sẽ mời ai đến chuyện trò cùng chúng con đây? Ai sẽ là người ân cần hỏi han chuyện công tác học hành của từng đứa, sẽ mỉm cười hạnh phúc khi chúng con nhắc chuyện ngày xưa ….Cô ơi…..!
Cô Hiền cùng tập thể lớp 12H trường PTTH Liên Hà trong buổi họp lớp.
Ngày mai đây, rời xa vòng tay của cô, chúng con sẽ phải tự bước tiếp trên con đường của riêng mình. Con đường đó từ nay không có cô dẫn lối,
con đường đó không có cô động viên khích lệ mỗi khi vấp ngã nhưng chúng con biết chắc rằng ở một nơi rất xa nào đó cô vẫn luôn dõi theo chúng con, vẫn luôn mỉm cười hạnh phúc.
Cảm ơn cô vì đã luôn bên cạnh và dõi theo chúng con trên đường đời! Cảm ơn cô vì đã luôn dạy chúng con biết sống có ích, biết bao dung và tha thứ, nhờ đó mà chúng con mới trưởng thành như hôm nay.
Thời gian trôi qua, mọi thứ sẽ dần nhạt nhòa và mất đi. Nhưng với con, tình cảm, tình yêu thương của cô dành cho chúng con sẽ còn mãi mãi đúng như câu hát: “ Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòa trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ, rồi năm tháng sông dài gió mưa, nhành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa. Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa, dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi…..”.
Thương nhớ gửi về cô!
Cô Hiền chụp ảnh cùng các học sinh lớp 12H nhân lễ kỉ niệm
ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 (cô đứng thứ 4 từ trái qua).
Người viết: Nguyễn Ngọc Hà