Có lẽ, những ai từng đặt chân tới mảnh đất Bắc Ninh – Kinh Bắc một lần, không thể bỏ lỡ cơ hội tham gia vào dòng người trảy hội mùa xuân tại các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Lim, thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Hội Lim từ xưa đến nay nức danh xứ Bắc không chỉ tái hiện được những nét văn hóa độc đáo riêng, vốn có của miền quê xứ Kinh Bắc, mà nơi đây còn có những liền anh, liền chị với những câu hát Quan họ cổ làm say đắm biết bao người.
Cứ mỗi độ xuân về, khắp nơi trên mảnh đất Bắc Ninh – Kinh Bắc lại tưng bừng bước vào mùa lễ hội. Không biết từ bao giờ, Hội Lim (huyện Tiên Du) đi vào tiềm thức của những du khách thập phương gần xa, như một lễ hội của sự gặp mặt, người già đi tìm tuổi xuân còn những người trẻ đi tìm bạn, tìm duyên. Hội Lim gồm 2 phần: Lễ và Hội. Nếu như trong các hội làng của vùng quê Kinh Bắc, lễ hội được tổ chức tại đình, miếu hay chùa trên phạm vi làng theo địa giới hành chính thì hội Lim là hội của 6 làng nên đám rước sẽ đi và thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng tất cả các làng, tổ chức hội dọc theo dòng sông Tiêu Tương. Theo nghi thức cổ truyền, phần tế lễ cảm tạ Thành hoàng đã ban cho người dân trong vùng một cuộc sống ấm no, yên bình thì những liền anh, liền chị phải đứng thành hàng trước cửa lăng rồi hát vọng vào phía trong những bài hát ca ngợi công lao của vị thần linh được thờ như một lời cảm tạ của những người dân Kinh Bắc. Do vậy, bao đời nay, hội Lim không chỉ là lễ hội khẳng định bản sắc văn hóa vùng Châu thổ sông Hồng với đầy đủ ý nghĩa về mặt tâm linh và văn hóa mà đó còn là sự tưởng nhớ đến những người có công xây dựng nên những ngôi chùa, là sự ghi nhớ về sắc phong được ban cho làng… và sâu xa hơn nữa đó chính là cơ hội để những thế hệ đi trước giáo dục truyền thống tốt đẹp cho những thế hệ sau.
Ngày 13 tháng Giêng âm lịch mới là chính hội nhưng từ sớm ngày 12, trên đồi Lim – trung tâm lễ hội đã tưng bừng với các lán hát Quan họ và các trò chơi dân gian. Cùng với việc duy trì các trò truyền thống như: Thi Tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, thi cờ người, hội Lim năm nay còn khôi phục thêm 2 trò bịt mắt bắt dê và kéo co. Bên trong đình Lim, các liền anh, liền chị sở tại rong thuyền rồng hát Quan họ phục vụ du khách thập phương. Tất cả tạo nên một không gian văn hoá riêng của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Những người đến hội Lim lần đầu tiên hay đã nhiều lần tham dự vào lễ hội đều ngạc nhiên bởi hiếm có một vùng nào lễ hội nào tổ chức trong không gian rộng lớn như vậy .
Hoà cùng dòng người tấp nập trẩy hội Lim, nhiều du khách tìm chọn cho mình một chỗ đứng để xem những trò chơi dân gian mà mình yêu thích. Đặc biệt, khu vực tổ chức trò chơi dân gian và trại thơ thư pháp năm nay thu hút đông người xem và cổ vũ, nhất là những bạn trẻ; đu tiên được xem là trò chơi được nhiều yêu thích với những du khách lần đầu đến tham dự hội Lim, vì vậy, tại đây hầu như không bao giờ hết người chơi. Các trò chơi dân gian luôn thu hút đông người tham gia nhưng ở Hội Lim có lẽ điều khiến đông hội say mê, náo nức hơn cả vẫn là ca hát Quan họ. Người ta có thể nghe Quan họ cả ngày mà không chán. Tại đây, mỗi lán Quan họ của các câu lạc bộ tham gia lại mang một màu sắc riêng. Nếu như lán Quan họ của Câu lạc bộ Quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du cho du khách biết được những làn điệu đối đáp Quan họ cổ thì tại lán Quan họ của 2 làng Quan họ Diềm và Hoài Thị đem đến cho du khách đắm mình trong những làn điệu giao duyên của dân ca Quan họ mượt mà, ấm áp.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhưng có lẽ, sự tinh tường
trong nghề chơi Quan họ là sự đón tiếp bạn thân tình, đối xử lịch lãm, tinh tế cộng
với lề lối đối đáp của những con người xứ Kinh Bắc tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ
cả với người chơi và người thưởng thức. Nếu như ai đã một lần đến với hội Lim thì khó
có thể ra về trong không khí lễ hội mang đầy màu sắc và đặc trưng của xứ Kinh Bắc xưa,
được tái hiện và duy trì cho đến ngày nay.