Tết cổ truyền là dịp gia đình sum vầy, trẻ con háo hức vì được đi chơi, được nhận tiền lì xì… nhưng nhiều em chưa biết gì về ý nghĩa của nó. Trong những câu chuyện cổ tích, trong thuyền thuyết, các em được biết đến nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy nhưng các em đã biết vì sao bánh chưng, bánh giầy lại được người dân Việt Nam chú trọng trong những ngày Tết.
Nói đến Tết là chúng ta nghĩ ngay tới sự đoàn tụ gia đình, chiếc bánh chưng mang đậm chất Việt Nam, những bao lì xì thể hiện sự yêu thương, may mắn hay những lễ hội mùa xuân. Không khí Tết rộn vang trên khắp mọi nẻo đường, người người nhà nhà chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc. Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt và trong những ngày đó người ta sẽ tạm ngưng mọi công việc để đến thăm viếng lẫn nhau. Dịp Tết, mọi người thường chuẩn bị thức ăn để đãi khách, có cả những món ăn mà bình thường ít được ăn như bánh chưng, bánh tét, mứt, dưa món, thịt đông, củ kiệu, củ hành ngâm… Đi tới gia đình nào cũng thường được chủ nhà mời ăn vì vậy mới gọi là “ăn Tết”.
Để chào đón năm mới mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, trang trí lại căn nhà mình cho thật đẹp. Đặc biệt có hai loài hoa chỉ Tết mới nở đó là mai vàng ở miền Nam và đào hồng, đỏ ở miền Bắc.
Đối với người miền Bắc trên bàn thờ thường trưng bày mâm ngũ quả với những loại trái cây như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt…
Những mâm cơm đầm ấm gia đình quây quần bên nhau, những thời khắc đáng nhớ như tất niên, giao thừa.
Tết cổ truyền rất quan trọng với người Việt Nam, phong tục Tết có những điều thú vị khiến các em tò mò. Vì vậy, thầy cô, cha mẹ là người giúp các em học sinh hiểu về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết ý nghĩa của ngày Tết cũng như những hoạt động diễn ra trong ngày Tết. Từ đó, các em hiểu thêm về giá trị phong tục tập quán Việt Nam, nuôi dưỡng lòng yêu đất nước, yêu quê hương trong tâm hồn các em.