Là phụ huynh, bạn mong gì khi con bạn trở về nhà sau giờ học? Giữa xã hội còn nặng nề bệnh thành tích và chạy đua theo điểm số, sẽ có không ít trong chúng ta, vì quan niệm truyền thống, vì thói quen phát sinh từ chính quá khứ của bản thân, hay đơn thuần, vì tính sĩ diện cố hữu ở những người lớn, điều mà rất nhiều trong chúng ta mong chờ ở các con là những điểm 10, điểm A+, những sao thi đua, danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Nhưng với tôi - một người mẹ, điều tôi trông đợi và muốn thấy ở các con sau giờ tan lớp là niềm vui ánh lên trong ánh mắt, là sự hào hứng hiện trên gương mặt của các con. Tôi xem đó là những giá trị không thể so sánh hay đong đếm được bằng bất kỳ điểm số nào, danh hiệu nào (nếu có) mà các con tôi có thể mang về. Các con tôi có thể tóc tai bù xù, bụi bặm lấm lem vì đủ trò nghịch ngợm thơ trẻ và/hoặc mồ hôi như suối vì cái nóng nực của mùa hè đổ lửa. Nhưng thường thì ngay cả trong trạng thái chẳng lấy gì làm đẹp đẽ ấy, ánh mắt các con vẫn hiện lên niềm vui mà như chỉ chực chờ được tuôn trào ra sau câu hỏi từ mẹ rằng “hôm nay có gì vui không nào các con”. Tất nhiên, vẫn có những câu trả lời kiểu “không có chi ạ”, hoặc “hôm nay con bị bạn này trêu, bạn kia chọc làm con phát bực”, “hôm nay con học chưa tốt”… Nhưng thường thì, lời đáp mà tôi nhận được từ các con là “hôm nay vui lắm mẹ ạ, vì …”. Và qua những gì các con kể trên suốt quảng đường về nhà và cả buổi tối sau đó, tôi nhận ra các con tôi vui vì chúng được hoà mình vào một tập thể có các giáo viên tận tình dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và quan tâm và chăm sóc.
Là mẹ của hai đứa trẻ cách nhau bốn tuổi, chính tôi nhiều khi cũng phát cáu vì các con không khỏi có những lúc ồn vào, nghịch ngợm thơ trẻ. Và vì thế, tôi hiểu giáo viên của các con tôi vất vả nhường nào khi phải quản một lớp trên 50 học sinh, mà số đông đều hiếu động, nghịch ngợm và ồn ào bằng hoặc thậm chí hơn hai con tôi. Các cô, chắc chắn, không tránh khỏi những lúc cáu, bực với học sinh. Nhưng tôi cho rằng bằng cái tâm, lòng yêu nghề, và trên hết, bằng tình yêu thương, chia sẻ với các con, các cô đã song hành, động viên và truyền cảm hứng cho các con tôi cũng như bạn bè của chúng qua từng chặng đường học tập. Bên cạnh nỗ lực giảng bài, truyền thụ kiến thức, tôi cho rằng cách các cô quan tâm, đối xử công bằng và kết hợp cùng gia đình hướng thiện cho các con đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình nhân cách của trẻ. Lớp con gái lớn của tôi có một số bạn gia cảnh khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, sẻ chia và ủng hộ của cô giáo, con tôi và nhiều bạn khác đã gây dựng được một phong trào quyên góp để giúp bạn. Qua nói chuyện với các con, tôi nhận thấy các cháu tham gia với tâm thế không hề vụ lợi, chia sẻ khó khăn, động viên để bạn vơi đi phần nào chuyện buồn, khó khăn ở nhà và tập trung hơn vào học tập. Những việc này phụ huynh có thể ủng hộ, nhưng khó thành phong trào, nếu không có sự tiếp sức từ các cô. Ở lớp con gái út của tôi, cô giáo của cháu nghiêm khắc trong việc rèn các con vào nền nếp trong năm đầu đến trường. Nhưng bên cạnh sự nghiêm khắc ấy còn là sự quan tâm săn sóc của một người mẹ với đàn con mọn. Bằng một cách tài tình nào đấy, cô thuyết phục các con rằng việc bẻ răng khôn, vốn là ác mộng với rất nhiều cháu, trở thành một việc gì đó thú vị và không đáng sợ hãi. Sự cởi mở, thân thiện và cách các cô khuyến khích học sinh trao đổi quan điểm, hỏi bài giúp các con tôi xua đi những ngại ngùng trong việc bày tỏ ý kiến.
Điểm số và thành tích vẫn là thước đo quan trọng trên con đường học vấn của các con. Nhưng với tôi, ở những năm tiểu học, hai yếu tố ấy không quan trọng bằng việc định hình thói quen và thái độ của các con tôi với chuyện học hành cũng như thái độ sống tích cực. Tôi cho rằng một khi các con cảm nhận được niềm vui ở trường, tự khắc các con sẽ có cảm hứng để học tập. Và bên cạnh trách nhiệm của gia đình, của phụ huynh, thì các cô, với tám tiếng mỗi ngày trong năm ngày mỗi tuần tiếp xúc với các con, chính là những người kiến tạo nên niềm vui ấy.