Ngày 3/3 Âm lịch gắn với món ăn thanh tịnh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam - bánh trôi, bánh chay. Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.Với mùi thơm phức của đỗ xanh, đường mật, không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn. Nhằm giáo dục về ý nghĩa ngày Tết Hàn thực cũng như mang lại niềm vui, hứng khởi cho học sinh học Kĩ năng sống nói riêng và trong học tập nói chung, hôm nay cô và trò lớp 2A1 – Trường Tiểu học Long Biên đã tổ chức làm bánh trôi, bánh chay. Hoạt động này không những nhận được sự thích thú của các em mà cả sự ủng hộ, tán thành của rất nhiều phụ huynh học sinh. Đây là dịp để các em biết rõ hơn nguồn gốc tập tục này, cảm nhận được ý nghĩa hướng về gia đình, nguồn cội. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây. Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn... Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng. Trước khi thực hành làm bánh, cô giáo chủ nhiệm đã giới thiệu đến học sinh về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực cũng như những nguyên liệu để làm nên món bánh trôi, bánh chay. Phần nhiều các bạn nhỏ chỉ biết đến Tết Nguyên đán, Tết Trung thu,….nhưng ít bạn biết đến ngày Tết Hàn thực nên khi được cô giáo kể câu chuyện về nguồn gốc của ngày này, các em đều rất chăm chú, tập trung lắng nghe. Sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa của Tết Hàn thực và cách làm bánh, các em bắt tay vào thực hiện các công đoạn làm bánh. Bạn nào cũng đều háo hức, mong chờ được tự tay mình làm ra những viên bánh trôi. Mặc dù vừa làm vừa trò chuyện, bàn tán rất vui vẻ nhưng các bạn nhỏ vẫn tập trung nặn bánh thật nhanh, thật tròn, xoay vòng ngắm nghía rồi ríu rít khoe với các cô viên bánh tròn xoe của mình.
Những chiếc bánh cứ lần lượt ra đời trên những đôi bàn tay nhỏ xinh ấy. To có, nhỏ có, tròn có, méo có… nhưng tất cả đều ngộ nghĩnh và rất đáng yêu bởi nó ẩn chứa bao sự công phu của những nghệ nhân làm bánh nhí.
Bên cạnh đó còn có sự giúp sức rất nhiệt tình của các cô bác phụ huynh
Sản phẩm đã hoàn thành
Giây phút hồi hộp và mong chờ nhất có lẽ là khoảnh khắc được thưởng thức chính những chiếc bánh được tự tay làm. Vậy nên chúng ta đều thấy được bánh như dẻo hơn, vị bánh như ngon và đậm đà hơn qua sự biểu cảm của các bạn khi thưởng thức hai vị bánh trôi tuyệt đỉnh
Bạn Hoàng Bảo Linh chia sẻ: “Ở nhà con được ăn bánh này nhiều lần rồi nhưng mọi lần toàn là mẹ con làm sẵn ở nhà hoặc mua ở chợ thôi ạ. Đây là lần đầu tiên con được tự tay làm nên con rất thích ạ”.
Một buổi trải nghiệm thật tuyệt vời và thú vị trong một môi trường học tập hiện đại đã khép lại nhưng nó sẽ ghi dấu ấn trong mỗi bạn nhỏ bởi niềm vui và sự bổ ích. Tiểu học Long Biên không chỉ trau dồi tri thức, kĩ năng mà còn luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra các em còn có thêm một bài học về sự đoàn kết và tinh thần chia sẻ cùng thầy cô và bạn bè.