Một khúc giao mùa tháng 3 nữa lại về, tháng 3 với những âm vang của sắc xuân tràn ngập trên mỗi nẻo đường, dòng sông, đồng cỏ… là khi con người cảm nhận được không khí ấm áp rạng rỡ của đất trời. Đây cũng là thời điểm chúng ta hân hoan chào đón ngày lễ mùng 8 tháng 3, ngày lễ mà chúng ta có dịp ôn lại truyền thống và vẻ đẹp của người phụ nữ, để từ đó chúng ta càng thêm tự hào ngợi ca, tôn vinh họ.
Ngày mùng 8 tháng 3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ trên toàn thế giới. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đã đổ xuống. Trở lại quá khứ, trong xã hội phong kiến chế độ phụ quyền tồn tại hàng thế kỉ, người phụ nữ bị trói buộc bởi các luật lệ khắt khe, bất công. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, và quan niệm trọng nam, khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp hèn nhất trong gia đình cũng như xã hội. Tuy vậy những tấm gương như Bà Trưng, Bà triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyên Phi Ỷ Lan, công chúa Huyền Trân,...là minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người phụ nữ xưa. Tiếp nối truyền thống, phụ nữ ngày nay càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Họ thể hiện tài năng của mình trên mọi lĩnh vực, họ có thể sánh vai với nam giới mà không thua kém gì.
Ngoài ra ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thuỷ chung son sắt. Dù bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng.
Nhà thơ Huy Cận đã từng viết:
Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ,…
Người phụ nữ đã trở thành một phần của lịch sử, họ tạo nắng cho nhân gian và tạo nắng cho thơ, họ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca hội họa và ở phương diện nghệ thuật nào họ cũng hiện lên một cách đẹp đẽ, đầy tỏa sáng. Từ xưa đến nay, vẻ đẹp ấy của người phụ nữ đã từ đời thường mà rạng rỡ tỏa sáng trong văn học nghệ thuật. Từ thơ ca dân gian cho đến văn chương bác học cao sang đều khắc hoạ hình tượng người phụ nữ với đức tính cao cả chịu thương chịu khó, thuỷ chung son sắt, nhẫn nại hy sinh, đảm đương nhiều vai trò: Trong gia đình là người vợ yêu chồng, người mẹ thương con, trong xã hội là người biết cống hiến, biết đấu tranh và dám hy sinh. Vẻ đẹp của người phụ nữ mọi thời đại kết tinh ở tâm hồn vừa dạt dào yêu thương vừa can trường bất khuất, vì vậy đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều tác phẩm văn chương.
Phụ nữ Việt Nam trải qua bao nhiêu thế hệ đã chạm khắc nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Họ trở thành những huyền thoại, những điển hình nghệ thuật bất hủ, những tuyệt khúc thiên thu mà tạo hóa đã dành tặng cho nhân loại. Họ không chỉ làm nên một nửa cuộc đời mà chính họ đã làm nên một cách trọn vẹn sâu sắc vẻ đẹp của thế giới. Vì thế, không gì ý nghĩa và nhân văn hơn khi suốt hơn một thế kỷ qua, thế giới đã dành ngày 8/3 để tôn vinh phụ nữ. Ngày lễ 8/3 hằng năm trở thành ngày lễ ý nghĩa và trọng đại đối với những người phụ nữ, bởi chính họ đã góp những sắc màu kì diệu cho cuộc sống đầy tươi đẹp.
Với tất cả ý nghĩa đó, tôi xin gửi lời chúc mừng trân trọng nhất, nồng nàn và sâu sắc nhất đến quý bà, quý mẹ, quý chị, quý em và toàn thể phụ nữ trên đất nước nói chung, có một ngày lễ đầy ý nghĩa và tràn ngập tình yêu thương.