“Vàng như mặt trăng
Treo trên vòm lá
Da nhẵn mịn màng
Thị ơi! thơm quá.”
Từ ngày gia đình tôi chuyển lên Thành phố, tôi vẫn nhớ hình bóng cây thị nơi đầu làng. Vẫn muốn được chạy về hít hà hương thị mùa thu. Nhân dịp nghỉ Lễ 2/9 vừa qua, tôi về làng vào những ngày đầu thu và không quên chụp cho mình một tấm ảnh kỉ niệm bên gốc thị đầu làng. Bởi cây thị là bạn, là kỉ niệm gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Nhà tôi ngay gần làng, trước cổng vào làng là một cây thị cổ thụ, gốc xù xì mấy vòng tay ôm. Chẳng ai trong làng biết cây do ai trồng và được trồng từ khi nào, chỉ biết nó đã có từ rất lâu. Nghe bà kể, trước cả kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ; nhiều tuổi hơn cả những vị bô lão già nhất làng và từ rất lâu làng tôi đã mang tên làng Cây Thị.
Lời bà cụ gọi “Thị ơi! Thị rơi bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn” cứ theo tôi suốt những năm tháng tuổi thơ này. Rồi lớn lên tôi thấy các bà, các chị trong làng lấy quả Thị thắp hương ngày mùng một hay ngày rằm. Màu quả Thị vàng, mọng nước và hương thoang thoảng là những điều vô cùng gần gũi trong suốt tuổi thơ tôi. Không chỉ vậy, gốc Thị như một bà “thầy lang” chữa được nhiều bệnh cho người dân quê. Tôi nhớ ngày đó ai bị ốm sốt, mụn nhọt, mẩn ngứa, ngộ độc, bỏng... là chỉ cần xuống đào một ít rễ cây hoặc một vài lá Thị về đắp hoặc uống là khỏi bệnh. Cây thị chính là “ân nhân” của người dân làng tôi.
Mỗi lần tôi về thăm quê, gốc thị đầu làng là nơi tập kết của bọn trẻ làng tôi. Những buổi trưa hè nắng chang chang chốn cha mẹ không ngủ để xuống gốc thị tìm những quả chín rơi. Tiếng tranh giành, đùa nhau chẳng có hồi kết. Rồi chúng tôi lại chia ra thành các nhóm chơi chuyền, chơi quay, ô quan, đọc chuyện, đọc thơ... Buổi trưa chỉ kết thúc khi có đứa bố mẹ gọi giục về nhóm bạn mới tan.
Những chiều hè nhìn đàn trâu xuống tắm dưới hồ ngay gần gốc thị, đám con trai chơi trò đánh trận dưới nước, chia quân chia trâu đánh giặc. Kiếm lá cây chuối hay ngọn roi tre làm súng là đã trở thành một cuộc chiến. Tiếng hiệu lệnh “ tiến lên!” Rồi “rút quân”… Bọn con gái chúng tôi trên bờ lại thích tìm những bông hoa dại kết thành vòng hoa đội đầu làm cô dâu hay lấy vòng hoa cỏ làm nhẫn. Chúng tôi tinh nghịch giấu quần áo của bọn con trai vào gốc thị. Khiến bọn con trai lên bờ chạy quanh tìm quần áo. Thế là chúng tôi lại được một trận cười nghiêng ngả. Và cứ thế chúng tôi dần lớn lên cùng gốc thị!
Tôi nhớ những buổi cấy tháng hè nắng cháy lưng, gốc thị là nơi để bà con làng tôi trú mát dưới gốc nghỉ ngơi trưa nắng. Những câu chuyện vội vàng được kể, tiếng cười nói rộn vang của các bà, các chị làm cho cả cánh đồng lúc nào cũng huyên náo, nhộn nhịp.
Nhớ lắm mùa thu chốn quê yên bình với ngào ngạt hương thị chín. Nhớ lắm nơi đã sinh ra tôi, đã gắn bó một phần tuổi thơ tôi.