Tết sắp đến rồi các bạn ạ! Không khí tết đang về trên khắp các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Và tại Phường Long Biên mình bây giờ không khí tết đang len lỏi vào từng ngôi nhà, con đường, góc phố thân quen.
Hằng năm cứ mỗi lần tết về, chúng em lại vui mừng diện những chiếc áo mới, được nhận lì xì từ người lớn. Nhưng trong tâm trí em ấn tượng nhất là những bữa cơm tất niên cả gia đình cùng sum họp lại bên nhau, nhìn lại những gì gia đình đã làm được cũng như những thiếu xót trong năm vừa qua và lập ra những mục tiêu cho năm mới đến. Tết trong kí ức của em là khoảnh khắc em đếm từng giây để đón chờ thời khắc giao thừa, để ngắm nhìn những chùm pháo hoa sặc sỡ trên bầu trời đêm. Tết trong em còn là giây phút hai chị em nắm tay đi sát bên nhau để chia sẻ cái lạnh giữa đêm 30 Tết. Em đã trải qua 10 cái Tết trong cuộc đời mình với những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc, mỗi cái Tết qua đều là một kỉ niệm khó có thể nào quên nhưng dường như Tết vẫn là một khái niệm gì đó khá mơ hồ trong em…
Tết không chỉ đơn giản là sự khởi đầu mới, Tết còn mang những nét đẹp về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến Tết, người ta vẫn thường hay nhớ đến mâm ngũ quả, cây nêu, bánh trưng xanh, hoa đào, câu đối Tết,…tất cả đều mang màu sắc rất Việt. Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với năm loại quả khác nhau thường có trong dịp Tết Nguyên Đán. Người ta thường bày chuối xanh cong lên ôm lấy quả bưởi mang ý nghĩa đùm bọc lẫn nhau. Ngày tết cũng không thể thiếu những cặp bánh chưng xanh, tượng trưng cho đất trong truyền thuyết của các vua Hùng xưa. Không chỉ trong âm thực, người Việt ta còn có rất nhiều phong tục tục lễ rất riêng, rất đặc biệt mà có lẽ chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Ngày đầu năm mới, người lớn thường hay mừng tuổi trẻ con để mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Người Việt còn có những tục lễ như xông đất, hái lộc, mua muối hay xin chữ. Em vẫn còn nhớ những đêm giao thừa, em ngồi trong nhà và vẫn thường hay nghe thấy tiếng giao của những cô bán muối. Gia đình em không bao giờ quên mua một túi muối để cầu may cho năm mới đến. Theo quan niệm của người Việt, muối tượng trưng cho sự mặn mà vì thế mà đầu năm mua thứ ấy thì cả năm sẽ được vui vẻ, may mắn. Người Việt cũng thường hay đi xin chữ ngày đầu năm mới, đặc biệt là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người ta đến xin những chữ mà mình mong muốn, học sinh đi học thì thường mong đỗ đạt, người làm ăn thì cầu chữ “Phát” và không có gì quý hơn “Thọ” với những người cao tuổi. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng em cũng chưa bao giờ thử đi xin chữ đầu năm.