!important; Cách đây vài tháng, khi tôi còn là một nhân viên y tế ở bệnh viện, hàng ngày, chứng kiến các y bác sĩ nơi đây chữa trị, chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân, tôi thực sự thấu hiểu và đồng cảm nỗi vất vả của ngành Y. Hầu hết thời gian trong ngày, chúng tôi ở cùng bệnh nhân, đêm đến thì thay phiên nhau trực. Những bước chân vội vã trong đêm không phải là chuyện lạ. Thời gian dành cho gia đình thực sự quá ít ỏi. Khi về với đứa con nhỏ đang tuổi tiểu học, tôi chỉ kịp hỏi qua loa về bài vở của con, thơm lên trán và chúc con ngủ ngon. Mọi việc học tập của con, tôi nắm bắt thông qua nhóm lớp, thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm. Trong thời gian đó, tôi nghĩ, tôi đã LÀM TRÒN BỔN PHẬN của phụ huynh. - Nhưng TÔI ĐÃ NHẦM.
Từ tháng 9/2021, tôi may mắn được trở thành nhân viên y tế của trường Tiểu học Long Biên. Một môi trường làm việc hoàn toàn khác trước đây. Tôi dần được chứng kiến những công việc của giáo viên mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi TỪNG nghĩ rằng giáo viên chỉ ngồi nhà dạy online, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, đêm được ngủ ngon giấc, đâu như các y bác sĩ bệnh viện. Nhưng không, họ còn muôn vàn những việc khác ngoài dạy học. Để chuẩn bị cho một bài học online, họ phải soạn giáo án (cái này thì ai cũng biết), lựa chọn hình ảnh, video minh họa dễ hiểu nhất để đưa vào bài giảng, thiết kế các trò chơi bằng các phần mềm hỗ trợ (cái này chắc vài người quan tâm việc học của con sẽ biết); chấm, chữa, nhận xét bài vở cho học sinh khi đêm đã khuya. Rồi các đợt thi đua, các ngày lễ lớn, để học sinh được phát triển kỹ năng ngay cả khi nghỉ dịch, các cô giáo Hiệu trưởng, Hiệu phó còn phải bàn bạc để tổ chức các hoạt động, các cuộc thi như vẽ tranh, làm thiếp, hát múa, nhảy, ... Kết thúc cuộc thi phải chọn lựa, chấm và trao giải sao cho công bằng nhất. Rồi họ còn rất rất nhiều giấy tờ, sổ sách phải hoàn thiện: sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ dự giờ, sổ nhận xét học sinh, sổ hội họp, sổ cá nhân, ... (cái này chắc ít người biết). Tôi thực sự có CÁI NHÌN THAY ĐỔI về nghề giáo.
Và bây giờ, sau 3 ngày học sinh Tiểu học được trở lại trường học. Tôi thực sự KHÂM PHỤC NHỮNG NGƯỜI THẦY. Nếu như trước đây, sau khi thả con ở cổng trường, nhìn cô đón con vào lớp, tôi yên tâm ra về và nghĩ rằng: "Vậy là xong nhiệm vụ buổi sáng, chiều đến đón con thôi."
Giờ đây, tôi mới biết rằng: Sau cánh cổng trường kia, khi phụ huynh thả con và rời đi, là lúc các thầy cô giáo làm vô vàn công việc, mà mỗi công việc đều gắn với hai chữ YÊU THƯƠNG. Cánh cổng trường đóng lại, cánh cửa tri thức mở ra. 35 phút/tiết học, thầy cô không bỏ lỡ một giây phút nào để truyền đạt tri thức, tổ chức các hoạt động học tập. Với các em nhỏ, vừa dạy vừa dỗ, vừa học vừa chơi, vừa hướng dẫn viết vừa cầm tay, vừa dạy tính toán vừa động viên, vừa tập thể dục vừa khen ngợi, ...
Giờ nghỉ trưa đã đến, các bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi với việc ăn uống của con cái ở nhà chưa? Đã bao giờ các bạn mất cả tiếng để dỗ dành con ăn hết nửa bát cơm chưa? Vậy mà các cô giáo chỉ có 30 - 40 phút để đảm bảo cả mấy chục cháu được ăn đầy đủ. Các cô đều có cách làm cả đấy nhé. Quy tắc được nêu rõ ràng trước giờ ăn: sát khuẩn tay rồi mới nhận khay cơm, không nói chuyện khi ăn, lau miệng, lau tay, lau bàn sau khi ăn xong. Hai bạn ngồi cạnh nhau được giao nhiệm vụ giám sát nhau và báo cáo cô trước giờ ngủ. Vậy là bạn nào bạn nấy răm rắp thực hiện. Với những bạn khó ăn một chút, cô giáo lại gần động viên: "Bác nhà bếp sẽ không vui nếu con để thức ăn thừa nhiều quá! Con ăn 1, 2 miếng thì bác ấy sẽ vui hơn."; "Bạn nào không ăn rau sẽ không xinh gái giống cô đâu nhé! Cô xinh thế này là nhờ ăn rau đấy!" :d Quả thực là dù dỗ con rất nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cách này.Khi các con ngồi ăn cũng là lúc cô tranh thủ ăn phần cơm của mình. Vừa ăn vừa không quên đưa mắt kiểm tra các xuất ăn của học trò. Khi các con đi cất khay ăn, đi vệ sinh thì cô lại tranh thủ vệ sinh lớp học.
Bạn nói rằng ở nhà con bạn chẳng bao giờ ngủ trưa, hay phải quát mỏi mồm mới ngủ, thì ở lớp, cả mấy chục cháu mà ngủ ngon như cún con no sữa. Một phần do các con phải dậy sớm đi học, trong khi học lại tiêu hao nhiều năng lượng. Nhưng tôi nghĩ, phần nhiều do các cô đọc "thần chú". Tôi đã chứng kiến và thấy lạ lắm nhé:
+ Cô giáo hô: 1; Trò đáp: "Duỗi thẳng chân ra"
+ Cô giáo hô: 2; Trò đáp: "Đặt tay lên bụng"
+ Cô giáo hô: 3; Trò đáp: "Nhắm mắt đi ngủ"
Sau khi đọc "thần chú", dường như có một tư thế thoải mái nhất, chỉ cần cô đi 2 lượt vòng quanh lớp là các con đã chìm vào giấc ngủ.
Rồi đến bữa phụ buổi chiều. Bữa này thì nhẹ nhàng hơn vì sữa, sữa chua và bánh đều là những món yêu thích của các con. Ăn xong thì mấy bạn nữ xinh xinh được cô buộc lại tóc cho gọn gàng, có bạn tóc dài còn được tết sam rất đẹp. Tiếp tục là các tiết học buổi chiều, lại là những giờ lên lớp với kiến thức và cả yêu thương. Trống tan trường vang lên, các cô dặn dò học sinh cất sách vở, xếp hàng ra về, trao tận tay bố mẹ. Vậy là các bố mẹ lại đón con, rời khỏi cổng trường chỉ với suy nghĩ như tôi trước đây: "Sáng đưa con đến và giờ đón con về thôi. Về nhanh còn nấu cơm nào."
Làm việc với trẻ con còn khó gấp vạn lần với người lớn. Không phải ai cũng đủ NHẪN NẠI và YÊU THƯƠNG để làm tốt. Không phải những gì chúng ta thường nghĩ đã là đúng. Vậy nên, chúng ta hãy thông cảm và chia sẻ bớt những nỗi vất vả với người thầy đang từng ngày từng ngày chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ con chúng ta dù không cùng máu mủ. Chúng ta hãy dừng công việc vài phút để lắng nghe điện thoại nếu cô giáo của con gọi. Chúng ta hãy bình tâm khi đón nhận thông tin dù tích cực hay chưa tích cực từ cô giáo. Vì tất cả những gì họ làm đều là mong muốn con chúng ta có một tương lai rạng rỡ. Tôi - với hai vai trò: nhân viên y tế bệnh viện và nhân viên y tế trường học; phụ huynh và nhân viên nhà trường, tôi đã thực sự TRÂN TRỌNG và KHÂM PHỤC những người thầy đang GÁNH CẢ TƯƠNG LAI.
Một số hình ảnh: